Hoạt động kết nối cung - cầu của mạng lưới các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại địa phương cần được nâng cao thông qua việc chuẩn hóa dữ liệu và phân tích dữ liệu bằng các công nghệ như dữ liệu lớn hay trí thông minh nhân tạo.
Ngày 7/6 tại TPHCM, Cục Ứng dụng và Phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo “Phát triển các tổ chức trung gian và thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng siêu kết nối thông minh – Phương pháp mới phát triển thị trường công nghệ trong kỷ nguyên số 4.0”.
Tại đây, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển thị trường công nghệ - cho biết, hiện nay mạng lưới trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (trung tâm) đã được thành lập và phát triển rộng khắp. Nếu năm 2008, cả nước mới chỉ có 19 trung tâm thì đến nay đã có 60 trung tâm thuộc các sở khoa học và công nghệ ở địa phương. Mạng lưới này đóng vai trò ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đồng thời là tổ chức trung gian trực tiếp cung cấp các dịch vụ và điểm kết nối, thực thi chính sách khoa học và công nghệ.
Về phía mình, Cục Ứng dụng và Phát triển thị trường công nghệ cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu cung – cầu công nghệ với gần 1.000 loại nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước cùng thông tin về gần 10.000 doanh nghiệp và 300 chuyên gia công nghệ để các trung tâm có thể sử dụng và khai thác.
Tuy nhiên, theo bà Lan, “Mặc dù hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu cung – cầu công nghệ đã được
cài đặt cho 31 Sở Khoa học và Công nghệ, 4 điểm kết nối cung – cầu
online (2 điểm ở Hà Nội; TPHCM và Nghệ An mỗi nơi 1 điểm) cũng đã được thiết lập, nhưng nền tảng kết nối số vẫn
còn thiếu để phát huy hiệu quả của hệ thống các trung tâm”. Bà Lan cho rằng, để nâng cao chất lượng kết nối cung - cầu, cần từng bước chuẩn hóa dữ liệu và đưa vào các công nghệ phân tích (bigdata, AI,…).
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, công nghệ có thể chuyển giao trực tiếp từ bên cung sang bên cầu mà không cần có sự can thiệp của tổ chức trung gian. Tuy nhiên sẽ rất rủi ro cho cả bên cung và bên cầu nếu giao dịch không có bên thứ 3 đảm bảo. “Các tổ chức trung gian không chỉ hỗ trợ tạo thuận lợi và đảm bảo cho giao dịch công nghệ hoặc tài sản trí tuệ diễn ra công khai, minh bạch, khách quan, mà còn có những chức năng khác như: hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn kỹ thuật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cung và cầu công nghệ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Không những thế, các tổ chức trung gian giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt được các số liệu về giao dịch công nghê ̣ thông qua sàn, từ đó kiểm soát, chọn lọc được công nghê ̣ tốt, loại bỏ các công nghê ̣ lạc hậu không có lợi. Cũng thông qua số liệu của các tổ chức trung gian, có thể đánh giá được xu thế của công nghệ để từ đó có định hướng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất. “Những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hoá trong các lĩnh vực” – theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng.
Tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm công nghệ bằng siêu kết nối thông minh của Singapore, Silicon Valley; cách xây dựng một số hệ thống thông tin cho việc liên kết tổ chức trung gian bằng công nghệ số; hỗ trợ liên kết các tổ chức trung gian công nghệ;…