Gần 70 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày những kết quả mới nhất về nghiên cứu, ứng dụng GIS trong phát triển đô thị thông minh, quản lý nhà nước, giảm nhẹ thiên tai,… tại hội thảo do Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức ngày 4/12.

PGS.TS. Lê Văn Trung, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết, GIS đang được ứng dụng ngày càng nhiều và hiệu quả trong việc xây dựng thành phố thông minh. GIS kết hợp với những công nghệ khác như Big Data, IoT, AI,… tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị, chăm sóc sức khỏe, quản lý dịch bệnh...; đồng thời hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực GIS tại Việt Nam cũng được các nhà nghiên cứu trình bày.

Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo   Ảnh: KA
Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo tại Hội thảo "Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2020" , TPHCM, ngày 4/12/2020. Ảnh: KA

Trong đó, nhóm các nhà khoa học ở Viện Hải Dương học và Viện Địa lý tài nguyên TPHCM đã nghiên cứu, xây dựng mô hình mô phỏng cảnh báo nhanh sự cố tràn dầu vùng biển phía Nam Việt Nam. Mô hình cho phép xác định phạm vi và đường di chuyển của lượng dầu tràn, từ đó có thể cảnh báo và đưa ra những phương án cụ thể ứng phó với sự cố tràn dầu.

Trường ĐH Nông lâm và ĐH Bách khoa TPHCM thì nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI để lập thành bản đồ khô hạn tại các vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Ảnh vệ tinh này có khả năng cung cấp nhiều thông tin hữu ích trên một phạm vi không gian rộng lớn và chuỗi thời gian liên tục. Từ đó, góp phần làm cơ sở cho dự báo thay đổi sử dụng đất trong tương lai.

Giới thiệu các sản phẩm áp dụng công nghệ GIS
Giới thiệu các giải pháp, sản phẩm GIS tại Hội thảo "Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2020" , TPHCM, ngày 4/12/2020. Ảnh: KA

Tập đoàn Bưu chính viễn thông thì xây dựng hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS, với các cơ sở dữ liệu về không gian (nhóm đất đai biên giới, giao thông, địa danh, địa chính,…) và thuộc tính đất đai (thửa đất, đối tượng chiếm đất, hiện trạng sử dụng đất,…). Có thể triển khai sử dụng hệ thống này tại các chi cục quản lý đất đai, văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm phát triển quỹ đất,… để thực hiện việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, quản lý giá đất,…

Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều báo cáo được trình bày và thảo luận như Ứng dụng GIS trong quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai; Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu; Xây dựng và đánh giá hiệu quả lộ trình vận chuyển rác thải sinh hoạt tại TP Đà Nẵng; Công nghệ 3D GIS; Ứng dụng viễn tham theo dõi biến động rừng tại Lâm Đồng;…