17 trong số 72 bài dự thi đã lọt vào vòng thuyết trình Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TPHCM 2018” diễn ra ngày 13/3 tại TPHCM.
Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018" được phát động từ tháng 10/2018 nhằm nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ có liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn và xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, sáng tạo.
72 sản phẩm tham gia cuộc thi của nhiều đối tượng khác nhau, từ sinh viên các trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp,… đưa ra các giải pháp nhằm cải cách hành chính trong quản lý đất đai; điều khiển chiếu sáng thông minh; quản lý hệ thống thoát nước; cảnh báo tình trạng ngập lụt; quản lý hạ tầng giao thông đường bộ;…
Ông Phạm Đức Thịnh, Trưởng phòng Tư vấn và Dịch vụ, Trung tâm Ứng dụng GIS TPHCM cho biết, tác giả của 10 giải pháp xuất sắc nhất trong vòng thuyết trình sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực GIS huấn luyện, tư vấn, hỗ trợ thêm để hoàn thiện sản phẩm trong khoảng 1,5 tháng và tham gia vòng chung kết. Các sản phẩm, giải pháp đạt giải của Cuộc thi sẽ được Sở KH&CN TPHCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.
Một số giải pháp, sản phẩm trong vòng thuyết trình:
Ứng dụng công nghệ GIS mã nguồn mở, điện toán đám mây xây dựng hệ thống cảnh báo tình trạng ngập nước tại Tp.HCM của tác giả Vũ Hoàng Thương (Bệnh viện Thống Nhất): Giải pháp kết hợp công nghệ GIS nguồn mở điện toán đám mây để đưa ra bản đồ phân tích, dự báo kết quả ngập nước. Cụ thể, xây dựng bản đồ quản lý cơ sở dữ liệu các điểm ngập nước trên địa bàn các quận; Chồng xếp các lớp thông tin dữ liệu ngập nước trên nền bản đồ địa chính; Đưa hệ thống bản đồ ngập lên môi trường điện toán đám mây. Từ đó, cung cấp các thông tin để xác định chính xác các vị trí ngập trên địa bàn Thành phố để cảnh báo cho người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D và định vị GPS hỗ trợ cứu hỏa giải cứu và dập lửa của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM: Phần mềm sử dụng hệ thống định vị GPS trong nhà để xác định đúng vị trí của người gặp nạn và hướng dẫn hướng đi an toàn rời khỏi tòa nhà khi có sự cố hỏa hoạn. Cũng dựa vào cảm biến nhiệt kết hợp với mô hình 3D của toà nhà, cơ quan phòng cháy có được cái nhìn tổng quát về đám cháy và hướng đám cháy lây lan. Giải pháp nhằm giảm thiệt hại tài sản, bởi xác định được nhanh nguồn gây cháy; đồng thời giảm số lượng người thương vong nhờ vào định vị vị trí người dân.
Ứng dụng GIS vào kinh doanh của nhóm tác giả Công ty Cổ phần cấp nước Trung An: Giải pháp ứng dụng GIS trong công tác đọc chỉ số đồng hồ nước nhằm tối ưu hóa phiên lộ trình di chuyển, tích hợp vào phần mềm đọc số thể hiện trực tuyến tình trạng đọc số đồng hồ nước; Tích hợp vào phần mềm thu tiền hóa đơn thể hiện trực tuyến tình trạng thanh toán hóa đơn của khách hàng; Phân tích các trường hợp sử dụng nước trên Google Map nhằm nâng cao lợi ích khách hàng hoặc vận động khách hàng sử dụng nước hạn chế khai thác nước ngầm;...
Ứng dụng này đã giúp nhân viên của Công ty xác định vị trí nhà khách hàng trong thời gian ngắn nhất; giảm thời gian tác nghiệp do được thông tin trực tuyến về tình trạng đọc số, thanh toán hóa đơn; giảm thời gian di chuyển do phiên lộ trình trong kỳ đã được sắp xếp phiên lộ trình hợp lý; đồng thời chủ động sắp xếp hoặc xác định hướng di chuyển (đối với nhân viên kiểm tra - dịch vụ khách hàng);…
Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động của Công ty Mapdas cho phép thu thập dữ liệu số hóa và lưu trữ dữ liệu bản đồ một cách nhanh chóng, chính xác và khoa học cho nhiều lĩnh vực như thu thập thông tin hạ tầng kỹ thuật giao thông (biển báo, đèn tín hiệu, bảng quang báo,...), cây xanh, chiếu sáng,…
Giải pháp đã thiết kế và chế tạo thiết bị thu thập dữ liệu di động giá rẻ có sai số tọa độ < 1m và phát triển thành công thuật toán định vị bằng cách kết hợp 3 loại cảm biến: GPS, IMU và wheel encoder để tăng độ chính xác của GPS. Ngoài ra, giải pháp cũng phát triển thành công thuật toán đo khoảng cách bằng stereo camera với sai số < 0.15m ở khoảng cách 20m và thuật toán nhận diện và phân loại tự động biển báo giao thông.