Gần 63% phụ nữ Việt Nam bị ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực trong 12 tháng qua.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam, khẳng định: “Mỗi số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng." Ảnh: TCBC

Đây là một trong số những kết quả của Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019, vừa được công bố ngày 14/7 tại Hà Nội.

Điều tra được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ. Phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhấn mạnh: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế.”

Báo cáo đã khảo sát gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 và kết quả cho thấy, ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ do người chồng gây ra. Nghiên cứu cũng chỉ ra, ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 1,8% GDP năm 2018.

Báo cáo đã khảo sát gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Ảnh: saigongiaiphong

Báo cáo cho thấy, một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Theo Thứ trưởng, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.

Bà Nguyễn Thị Hà nói thêm: “Những tồn tại, thách thức này cần được sớm khắc phục với trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân trong xã hội”.

Có mặt tại Hội nghị, Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định “Úc cam kết mạnh mẽ chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Mỗi số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng. Báo cáo này là bằng chứng cho thấy chúng ta đã và đang lắng nghe những phụ nữ đã trải qua bạo lực, chúng ta tin tưởng họ và chúng ta cần phải hành động”.

Cũng tại Hội nghị công bố kết quả điều tra, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Úc và UNFPA cùng kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra thì nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.


Một số kết quả chính từ cuộc Điều tra:

- Bạo dụng tình dục: Cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (9%) bị bạo dụng tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).

Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).

4,4% phụ nữ khuyết tật cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi

- Bạo lực thể xác: Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Trái với bạo lực tình dục, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác năm 2019 (26,1%) thấp hơn so với năm 2010 (31,5%).

Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.

- Ảnh hưởng đến trẻ em: Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.