Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đang kêu gọi hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất giống Bò Brahman Hoa Kỳ và Hiệp hội gia súc Holstein Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống bò, trình diễn mô hình nuôi bò và kinh doanh gia súc tại Khu Nông nghiệp CNC.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Ngành chăn nuôi Hoa Kỳ và Cơ hội” do Khu Nông nghiệp CNC Tp.HCM tổ chức ngày 1/11 tại TP.HCM.
Ông Chung Anh Dũng – Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, những năm gần đây số lượng bò sữa và bò thịt của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2015, lượng bò sữa tăng 102,5%, bò thịt tăng 102,2% so với năm 2014. Tuy nhiên, số lượng bò nhập vẫn chiếm chủ yếu và ngày càng tăng. Hiện nay, Chính phủ đang có những chương trình khuyến khích các tập đoàn thành lập những trang trại chăn nuôi bò lớn nhằm thay thế cho nhập khẩu. Bên cạnh sự phát triển đạt được, ngành chăn nuôi bò của nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi,… Đặc biệt, cả nước chưa có những trại bò cung cấp giống, vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài về nhân lên rồi bán ra thị trường.
Theo ông Dũng, việc chọn giống được các nước làm rất kỹ, nhưng Việt Nam lại chưa có một quy trình công nghệ nào trong việc chọn giống, công thức lai giống ổn định, cũng như chưa có chỉ số chọn giống. Về dinh dưỡng, Việt Nam cũng chưa có nền công nghiệp sản xuất thức ăn cụ thể cho bò như cỏ, thân bắp ủ chua,… Ngoài ra, việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp quá nhiều, làm cho khẩu phần thức ăn bị mất cân bằng. Thức ăn chính như cỏ, phụ phẩm nông nghiệp ủ chua,… không đủ về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, vệ sinh chuồng trại chưa tốt, không có giai đoạn vỗ béo trước khi xuất chuồng, bệnh dịch khó kiểm soát,… là những bất cập mà ngành chăn nuôi đang gặp phải.
"Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng cần mở rộng hợp tác để có thể tiếp cận những công nghệ mới trong ngành chăn nuôi. Đó là những quy trình kỹ thuật, công nghệ để đánh giá bò lai phù hợp với từng vùng sinh thái của Việt Nam; kỹ thuật trong chọn giống, nhân nhanh giống; sử dụng dinh dưỡng để kích thích tiềm năng di truyền; xác định khẩu phần phù hợp cho bò trên nguồn thức ăn của địa phương;…" - ông Dũng gợi ý.
Ông Đỗ Việt Hà – Phó trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC Tp.HCM cho biết, Khu Nông nghiệp CNC Tp.HCM hiện có khoảng 170ha dành cho nghiên cứu, nuôi, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi. Trong đó tập trung vào nghiên cứu kỹ thuật chuyển phôi, phân tích tinh trùng, lấy trứng bò, kiểm nghiệm chất lượng,… và một số CNC sau thu hoạch. Hiện nay, Khu đang kêu gọi hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất giống Bò Brahman Hoa Kỳ và Hiệp hội gia súc Holstein Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống bò, heo, chế phẩm sinh học; hợp tác nghiên cứu, giới thiệu, trình diễn mô hình nuôi bò, đào tạo nguồn nhân lực quản lý chăn nuôi và kinh doanh gia súc tại Khu Nông nghiệp CNC.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ cũng đã giới thiệu một số giống bò như Brahaman, Holstein. Đây là những giống bò phù hợp với môi trường chăn nuôi có khí hậu nhiệt đới, ít bệnh tật, nhu cầu dinh dưỡng thấp, sinh sản tốt, tuổi thọ cao,… Bên cạnh đó, các nhà khoa học Hoa Kỳ cũng đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ trong việc đánh giá gene, thụ tinh nhân tạo, chuyển phôi, cải thiện giống, thử DNA,…