Bò tót lai sinh trưởng nhanh và khỏe mạnh nếu bảo tồn tốt sẽ là nguồn gen quý hiếm, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương.

Bò tót rừng giao phối với bò nhà cho ra đời thế hệ bò tót lai F1 ở tỉnh Ninh Thuận là hiện tượng đặc biệt. Hiện nay, Vườn quốc gia Phước Bình đang nuôi khảo nghiệm thế hệ bò tót lai này nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương.

Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) là nơi được nhiều người biết đến với câu chuyện bò tót rừng về sống chung với bò nhà. Năm 2009, tại đây xuất hiện một cá thể bò tót đực xuống núi, tìm cách nhập đàn, rồi giao phối với bò cái nhà của người dân địa phương thả chăn gần bìa rừng.

nuoi bo tot lai - huong di hieu qua cho nganh chan nuoi hinh 0
Bò tót lai sinh trưởng nhanh và khỏe mạnh.
Sau nhiều năm “kết bạn”, hàng chục con bò nhà mang thai, sinh ra những con bò lai mang nửa dòng máu bò tót hoang dã. Ngày 7/3/2014, bò tót bố được phát hiện chết ở bìa rừng, nhưng qua chừng ấy thời gian nó đã để lại gần 30 con bê lai. Trong số đó, đàn bò nhà của anh Nguyễn Văn Chuẩn ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình có đến 9 con lai bò rừng.

“Bò trên rừng về gặp bò nhà nó theo và giao phối rồi sinh ra được 9 con bò lai. Gia đình phải bán đi 7 con bởi rất khó khăn trong việc chăn thả”, anh Chuẩn cho biết.

Năm 2012, với hỗ trợ đầu tư của Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng và Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận, Vườn Quốc gia Phước Bình phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Lâm Đồng thực hiện đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà”. Bằng nguồn kinh phí dự án, vườn quốc gia này đã mua lại 7 con bò tót lai của anh Chuẩn và 3 con bò tót lai của các hộ đồng bào Raglai trong vùng.

Khu khảo nghiệm bò tót lai Phước Bình được xây dựng trên diện tích 2 ha, xung quanh được rào chắn cẩn thận bằng dây thép gai, có hai nhân viên túc trực chăm sóc đàn bò lai này. Nguồn thức ăn chủ yếu dành cho bò tót lai là cây cỏ tự nhiên và cỏ voi được trồng thêm trong khu khảo nghiệm.

Đến nay, 10 con bò tót lai nuôi tại đây được ghi nhận sinh trưởng tốt, có trọng lượng gấp đôi so với bò nhà cùng lứa. Vóc dáng của bò tót lai thế hệ F1 cao to không khác gì bò tót rừng với bộ lông màu nâu đen đặc trưng, sừng cong vút, cặp mắt mang néthoang dã, cònnhút nhát khi thấy người lạ. Con lớn nhất ước nặng trên 700 kg.

Anh Não Ngọc En, nhân viên khu khảo nghiệm bò tót lai trực tiếp chăn nuôicho biết, so với bò nhà, bò tót lai rất dễ nuôi vì chỉ ăn lá tre, lá điều và tất cả lá cỏ tự nhiên. Bò tót lai phát triển rất nhanh và cao lớn hơn so với bò thường.

nuoi bo tot lai - huong di hieu qua cho nganh chan nuoi hinh 1
Bò tót lai rất dễ nuôi vì chỉ ăn lá tre, lá điều và tất cả lá cỏ tự nhiên.
Hiện nay, Vườn quốc gia Phước Bình đang tiến hành cho lai với 3 công thức: Bò tót lai với bò tót lai, bò tót lai với bò cái lai shin, bò đực lai shin với bò tót lai. Theo ghi nhận mới nhất, đến nay đã có 1 trường hợp bò tót lai đậu thai. Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục theo dõi những trường hợp khác đã qua giao phối.

Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận cho biết, nếu như thành công, đây là một nguồn gen rất là quý để lai tạo cho các trang trại bò thịt của các địa phương, không những Ninh Thuận mà cả các tỉnh khác; bởi giống bò này chống chịu với bệnh tật rất tốt. Từ hồi khi đưa bò về chăn nuôi, bò chưa hề mắc bệnh, vườn chưa phải chích thuốc và tiêm ngừa lần nào, các cá thể bò tót lai đều sống khỏe mạnh.

Trong tương lai, nếu đạt kết quả như mục tiêu đề ra ban đầu, mô hình bò tót lai có ý nghĩa đặc biệt vì sẽ góp phần đưa nguồn gen quý hiếm từ hoang dã vào vật nuôi gia đình,nhằm cải thiện năng suất, khả năng chống chọi với bệnh tật cũng như thích ứng với điều kiện chăn nuôi quảng canh như ở Ninh Thuận. Tiến tới, Vườn Quốc gia Phước Bình có thể nhân rộng các cá thể F2 làm bò giống và thương mại hóa sản phẩm bò tót lai trên thị trường.