6 vấn đề đáng quan tâm nhất như Hiệp định CPTPP hay vướng mắc trong khởi nghiệp sáng tạo sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong ngày 2 và 3/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Sáng ngày 2/5/2019 tại Diễn đàn sẽ diễn ra 6 hội thảo chuyên đề và 1 tọa đàm. Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, cho biết, Ban tư vấn phát triển kinh tế tư nhân, cũng như Ban tổ chức Diễn đàn qua theo dõi, lắng nghe các doanh nghiệp đã xác định đây là các chuyên đề đáng quan tâm nhất hiện nay với khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng ban tổ chức, giới thiệu về các chuyên đề tại Họp báo Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: Thành Phạm.

6 chuyên đề bao gồm: du lịch; kinh tế số; hiệp định CPTPP; thị trường trái phiếu và các mô hình quỹ đặc thù; hội nhập quốc tế và hiện đại hóa nông lâm thủy sản; và chính sách, thị trường vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cụ thể:

Hội thảo chuyên đề 1: Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam, tổng hợp các ý kiến hiến kế về 4 nhóm vấn đề chính: (i) cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam theo hướng cởi mở và áp dụng thủ tục hiện đại; (ii) cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của các điểm đến quan trọng, các quy định cải thiện môi trường du lịch; (iii) cải thiện hạ tầng hàng không Việt Nam, mở rộng các sân bay chủ lực và (iv) quảng bá du lịch Việt Nam qua tiếp thị số.

Hội thảo chuyên đề 2: Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam, thảo luận các vấn đề: (i) xây dựng và phát triển dữ liệu mở, khung pháp lý cho Chính phủ số và dữ liệu mở; (ii) giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thí điểm các mô hình thanh toán mới, fintech và hóa đơn điện tử; (iii) hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số và (iv) thực hiện xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề 3: Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá, tổng hợp các ý kiến hiến cho cho 3 vấn đề chính: (i) giải pháp tận dụng CPTPP cho các ngành hàng xuất khẩu chính; (ii) giảm thiểu thách thức và cạnh tranh; (iii) hợp tác công - tư trong bối cảnh thực thi CPTPP.

Hội thảo chuyên đề 4: Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế, đóng góp ý kiến về các vấn đề: (i) thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam; (ii) gia tăng tính hấp dẫn của các mô hình quỹ đặc thụ, cụ thể là Quỹ hưu trí tự nguyện và Quỹ đầu tư bất động sản với các chính sách khuyến khích nhà đầu tư.

Hội thảo chuyên đề 5: Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế, đóng góp ý kiến về vấn đề (i) tăng cường lính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, thành lập HTX kiểu mới, kết nối cung-cầu; (ii) thí điểm triển khai chuỗi tôm thương phẩm đáp ứng nhu cầu các thị trường trọng điểm; (iii) phát triển các doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông - thủy sản; (iv) giải pháp số hóa và hình thành dữ liệu lớn các chuỗi nông - thủy sản.

Hội thảo chuyên đề 6: Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: nút thắt và các khuyến nghị, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nêu ý kiến về các vấn đề: (i) xu hướng ứng xử của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số; (ii) cơ chế khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam; (iii) giải pháp xây dựng thị trường vốn chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Phiên tọa đàm Nữ doanh nhân và khát vọng “vì một Việt Nam thịnh vượng” là cơ hội lắng nghe những chia sẻ và tham gia thảo luận cùng các nữ lãnh đạo cấp cao, nữ lãnh đạo các Bộ ngành, các nữ doanh nhân và chuyên gia kinh tế.

Ban tổ chức cho biết các phiên hội thảo sẽ dành thời lượng lớn cho đối thoại công - tư. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ đối thoại, giải đáp kiến nghị và lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho các bài toán lớn của nền kinh tế.

Dự kiến, Diễn đàn sẽ có khoảng 2.500 doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý tham gia.