Với sự xuất hiện của hai "tân binh" là Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Đà Nẵng, Việt Nam có tổng cộng 7 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng Asia University Rankings 2019 của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).
Ngày 23/10, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh công bố bảng xếp hạng 505 trường đại học hàng đầu châu Á năm 2019 (Asia University Rankings 2019), nhiều hơn 55 trường so với năm ngoái.
Trong số 7 trường đại học của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất – đứng ở vị trí 124 châu Á, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Đứng thứ hai là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có vị trí xếp hạng 144.
Năm trường đại học còn lại là Đại học Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm có vị trí xếp hạng từ 261 – 270), Đại học Tôn Đức Thắng (291– 300), Đại học Cần Thơ (351 – 400), Đại học Đà Nẵng, và Đại học Huế (451– 500).
Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng. Đại học Bách khoa Hà Nội có mức thăng hạng ấn tượng, tăng 30 bậc so với năm trước đó.
| Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 |
Đại học Quốc gia Hà Nội | 161
– 170 | 191
– 200 | 139 | 139 | 124 |
Đại học Quốc gia TP.HCM | 191
– 200 | 201
– 250 | 147 | 142 | 144 |
Đại học Bách khoa Hà Nội | 251
– 300 |
| 301
– 350 | 291
– 300 | 261
- 270 |
Đại học Cần Thơ |
|
| 251
– 300 | 301
– 350 | 351
- 400 |
Đại học Huế |
|
| 301
– 350 | 351
– 400 | 451
- 500 |
Đại học Tôn Đức Thắng |
|
|
|
| 291
- 300 |
Đại học Đà Nẵng |
|
|
|
| 451
- 500 |
Vị trí của một số trường đại học ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng trường đại học theo khu vực Châu Á của QS trong giai đoạn 2015 – 2019. Nguồn: QS Regional University Rankings – Asia.
Tại khu vực châu Á, đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng là Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Đại học Hồng Kông và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của QS là ấn phẩm thường niên được xuất bản lần đầu tiên năm 2009. Những chỉ số được sử dụng để đánh giá các trường đại học trong bảng xếp hạng này tương tự như chỉ số được dùng cho bảng xếp hạng thế giới của QS, nhưng có một số tiêu chí bổ sung và trọng số được điều chỉnh.
Tổng cộng 11 tiêu chí và trọng số xếp hạng QS châu Á 2019 cụ thể như sau: đánh giá của học giả (30%), đánh giá của nhà tuyển dụng (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học (10%), số bài báo khoa học/giảng viên (5%), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%), tỷ lệ sinh viên trao đổi với các trường nước ngoài (2,5%). Trong số đó, tiêu chí về mạng lưới nghiên cứu quốc tế lần đầu được QS đưa vào.
Bảng xếp hạng các trường đại học của QS là một trong ba bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất thế giới cùng với bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) và Times Higher Education World University Rankings.
Trước đó vào tháng 6/2018, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng World University Rankings 2019. Trong số 60 trường lần đầu lọt vào bảng xếp hạng này, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 701 – 750. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 801 – 1000.