Gần 200 cán bộ, công chức, các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp tại TPHCM đã tham gia lớp tập huấn về trí tuệ nhân tạo (AI) do UBND TPHCM chỉ đạo Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 26/9 tại TPHCM.
Các buổi tập huấn xoay quanh các vấn đề như AI: tổng quan, ứng dụng, nguy cơ và thách thức; AI trong lĩnh vực công – từ xu hướng đến ứng dụng thực tiễn; Ứng dụng AI trong chuyển đổi số; Trình diễn một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng AI của ĐH Quốc gia TPHCM; Ứng dụng AI vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích mạng xã hội; Internet vạn vật và thành phố thông minh; Ứng dụng AI với dữ liệu hình ảnh trong các lĩnh vực giám sát an ninh, giao thông và chẩn đoán ảnh y khoa;…
Đội ngũ giảng viên tập huấn là những chuyên gia có uy tín về AI như: TS Lê Thành Sách, ĐH Bách khoa TPHCM; PGS.TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM; TS Hà Việt Uyên Sinh, ĐH Quốc tế TPHCM; TS Lê Minh Hưng, ĐH Công nghệ thông tin TPHCM; ông Nguyễn Long, chuyên gia giải pháp công nghệ, Microsoft Việt Nam; TS Alvina Goh, Phó giám đốc Bộ phận khoa học dữ liệu và AI, Govtech Singapore;...
Theo TS Lê Thành Sách, AI có nhiều ứng dụng trong đời sống và sản xuất như giúp định danh qua khuôn mặt, phân tích ảnh giao thông, phân tích ảnh y khoa,… Tuy nhiên, để nghiên cứu và ứng dụng AI cần lượng lớn dữ liệu và phải gán nhãn dữ liệu. Trong khi đó, các dữ liệu về y khoa, tài chính, an ninh,… rất khó thu thập và việc gán nhãn cần phải có chuyên gia. Ngoài ra, cần có hạ tầng tính toán mạnh, nguồn nhân lực có chuyên môn cao, sự sẵn sang chấp nhận của xã hội (người dân, doanh nghiệp, nhà nước);…
“Đây chính là những thách thức của Việt Nam khi nghiên cứu và ứng dụng AI” – TS Sách nói và đề xuất các đơn vị cộng tác giữa chia sẻ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ tài nguyên tính toán, sự đầu tư của nhà nước cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng AI trong nhiều chuyên ngành,… “Trong đó, tính liên ngành và cộng tác là điểm quan trọng để phát triển AI” – TS Sách nhấn mạnh.
TS Alvina Goh thì cho rằng, AI có thể được sử dụng để hỗ trợ các công việc cho chính quyền nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân. Cụ thể, AI giúp hoạch định chính sách tốt từ việc xử lý dữ liệu để đưa ra những khuyến cáo kịp thời. Ngoài ra, AI còn giúp lực lượng lao động làm việc có hiệu quả và năng suất hơn do được tự động hóa các quy trình làm việc.
TS Alvina Goh cho biết thêm, trước đây Singapore đã có nền tảng sơ khai về việc chia sẻ dữ liệu, tuy nhiên dữ liệu của cơ quan chính phủ, ban ngành chưa được thống nhất. Vì vậy, chính phủ Singapore đã hợp tác với các cơ quan bên ngoài và doanh nghiệp xây dựng, tập hợp, củng cố và đưa ra cơ chế chiết xuất dữ liệu một cách đơn giản để tất cả có thể dùng được.
Bà Sherie Ng, Giám đốc Khu vực công, Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương, thì đưa ra một thiết kế mẫu giúp các học viên hiểu tốt hơn về quá trình triển khai các hạ tầng sử dụng dữ liệu internet vạn vật (IoT) theo cách đổi mới sáng tạo. Theo đó, một thiết bị edge (công nghệ di động) có chức năng thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều thiết bị cảm biến được kết nối với nó; sau đó tổng hợp và gửi dữ liệu một cách thông minh lên đám mây khi phát hiện sự kiện bất thường. Sau khi tải lên, dữ liệu sẽ được gửi đến một cơ sở dữ liệu chuỗi thời gian để phân tích nhanh chóng các lớp dữ liệu IoT khác. Từ đó, phát hiện và xử lý tức thời những thông tin tương quan.