Sáng 7/6, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố các nghị quyết thành lập và các quyết định bổ nhiệm chức vụ quản lý Trường Vật liệu và Trường Hóa và Khoa học sự sống.

Trong đó, Trường Vật liệu được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS); Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme và Compozit; và Bộ môn Công nghệ In.

a
GS. Huỳnh Trung Hải, Hiệu trường Trường Vật liệu. Nguồn: HUST

Phát biểu tại sự kiện, GS. Huỳnh Trung Hải, Hiệu trường Trường Vật liệu, cho biết, tại Việt Nam, công nghệ vật liệu cùng với công nghệ sinh học, tự động hóa và công nghệ thông tin là bốn lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng yếu được Nhà nước tập trung đầu tư trong giai đoạn hiện nay. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng xác định vật liệu mới là một trong bốn lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng 2030 - cùng với công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, năng lượng và môi trường bền vững, vật liệu mới, khoa học và công nghệ sức khỏe.

Về định hướng của Trường Vật liệu trong thời gian tới, GS. Huỳnh Trung Hải chia sẻ, “Một mặt, Trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, giải mã và làm chủ công nghệ vật liệu; tăng cường chuyển giao công nghệ, trực tiếp đáp ứng nhu cầu sản xuất và nội địa hóa của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Trường sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu nhằm phát triển các loại vật liệu mới, tiên tiến, vật liệu công nghệ cao… Các định hướng nghiên cứu chính của Trường sẽ tập trung vào: vật liệu kim loại và phi kim tiên tiến; các công nghệ gia công và chế tạo vật liệu mới; Tính toán và mô phỏng vật liệu; vật liệu y sinh; vật liệu chức năng và vật liệu thông minh; vật liệu tích trữ; vật liệu polyme compozit hiệu năng cao; vật liệu dệt may tiên tiến; vật liệu In và công nghệ bồi đắp; vật liệu thân thiện môi trường…”

Trường Hóa và Khoa học sự sống được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 viện: Kỹ thuật Hóa học; Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm; Khoa học và Công nghệ môi trường; Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Trường đào tạo các ngành Hóa học, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật thực phẩm, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường. Hiệu trưởng của Trường là PGS.TS Chu Kỳ Sơn.

b
PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống. Nguồn: HUST

Số sinh viên của hai trường chiếm khoảng 25% tổng số sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, theo đại diện truyền thông của ĐH Bách khoa Hà Nội.

GS. Lê Anh Tuấn, chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận xét, trong hai trường được ra nghị quyết định thành lập vào cuối tháng 3 vừa qua, Trường Vật liệu thể hiện tính liên ngành mạnh mẽ, trong khi Trường Hóa và Khoa học sự sống thể hiện rõ sự kế thừa nền tảng truyền thống: hóa học – sinh học – thực phẩm – môi trường của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, cùng với 3 Trường: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông được thành lập vào cuối năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường. Việc thành lập các trường nằm trong đề án chuyển đổi mô hình thành Đại học của ĐH Bách khoa Hà Nội, hay nói cách khác, chuyển đổi từ mô hình đa ngành sang mô hình đa lĩnh vực.

“Trong thời gian sắp tới, cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành của ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục được tối ưu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp mạnh các mặt hoạt động cho các đơn vị chuyên môn; quản trị, điều hành tập trung theo chiến lược và các quy chế, quy định chung do ĐH Bách khoa Hà Nội ban hành, người học được cấp bằng duy nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội,” GS. Lê Anh Tuấn cho biết.