GS Trịnh Xuân Thuận, dịch giả Phạm Văn Thiều và nhà báo Vũ Công Lập đã có nhiều chia sẻ bổ ích về con đường làm nên những trang sách cung cấp kiến thức khoa học.

Sáng 10/7, trong không gian của đường sách Nguyễn Văn Bình những người yêu sách tại TP.HCM có cơ hội được gặp gỡ những nhà khoa học về lĩnh vực vật lý thiên văn tại hội thảo do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.

Từ cậu bé “mọt sách” đến người viết sách được dịch ra 20 thứ tiếng

GS Trịnh Xuân Thuậnchia sẻ, suốt cuộc đời viết sách của mình, ông chỉ có một mong mỏi có thể đóng góp cho nhân loại nhiều cuốn sách về vũ trụ và thiên văn với ngôn ngữ, cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu nhất.

Khi còn là một đứa trẻ, GS Thuận đã rất yêu sách, nhất là sách về lĩnh vực vật lý thiên văn. Những sự bí hiểm của vũ trụ, về không gian vô tận bên ngoài bầu trời khiến ông tò mò. Gần như ngày nào ông cũng dành thời gian mua sách về đọc. Thư viện đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn không khi nào thiếu vắng bóng dáng của ông cặm cụi với những trang sách. Ông “hâm mộ” nhà bác học người Đức Albert Einstein và tìm đọc rất nhiều sách khoa học của người này.

GS Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Hà Thế An.
GS Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Hà Thế An.

“Sách cho tôi nhiều tri thức bổ ích. Song, không phải kiến thức nào tôi cũng có thể nắm bắt được, tường tận được. Những chỗ không hiểu, tôi ghi nhớ lại. Sau quá trình học hỏi, tìm tòi, tôi lại quay lại những trang sách chưa hiểu đó để “thẩm thấu” và hiểu nó một cách trọn vẹn hơn” - GS Thuận chia sẻ.

Không chỉ là sách khoa học, GS Thuận còn rất yêu thích những sách văn học, lịch sử, hội họa…Sách của nhiều nhà văn lớn như Lev Tolstoy, Hemingway ông đều không bỏ qua. Một cuốn sách dành cho thiếu nhi như “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupérycũng mang đếncho ông nhiều bài học và tri thức giá trị.

Sự tổng hòa những giá trị khoa học và nhân văn trong những trang sách khiến sách của GS Trịnh Xuân Thuận được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên khắp thế giới.

Cuộc gặp gỡ và “nên duyên” của 2 nhà khoa học

Dịch giả, nhà vật lý Phạm Văn Thiều đã “đồng cảm” với GS Trịnh Xuân Thuận để có thể chuyển tải đúng tinh thần của những trang sách do ông viết đến độc giả Việt Nam (sách GS Thuận viết bằng tiếng Pháp).

Dịch giả Phạm Văn Thiều vốn sinh ra ở nông thôn, không có nhiều điều kiện để tiếp cận với sách. Đến năm 1982, ông có cơ hội được thực tập tại Viện vật lý và hạt nhân tại Pháp. Từ khóa thực tập này, lĩnh vực vật lý và thiên văn đã “mê hoặc” ông lúc nào không hay. Ông có dịp được gặp GS Trịnh Xuân Thuận trong lần đầu ông về thăm Việt Nam vào năm 1993. Hai người như “cá gặp nước” ở mục đích và lý tưởng trong những “dự án” về sách.

“Tôi tìm thấy chất “thơ” trong những cuốn sách của GS Thuận. Những trang sách của ông luôn chứa một lượng tri thức về khoa học hiện đại. Quan trọng hơn, tôi cảm nhận được những tâm tư mà ông gửi gắm trong đó. Sách của GS Thuận cân bằng giữa ranh giới giữa tri thức và chữ viết. Đó như tâm sự của một nhà khoa học cô đơn muốn chia sẻ những kiến thức của mình đến bạn đọc” - dịch giả Thiều chia sẻ.

Tình yêu sách phải đến từ thói quen và gắn bó vào máu thịt

Để sách khoa học đi vào tâm hồn bạn đọc, Nhà báo Vũ Công Lập cho rằng cần phải hình thành một thói quen đọc sách trong mỗi người.“Đọc sách phải là một thói quen, là nhu cầu không thể thiếu và thấm vào máu thịt của mỗi con người. Đừng đọc sách theo một trào lưu kiểu thời thượng chỉ vì một lý do nào đó”- nhà báo Lập nói.

Ngoài ra, nhà báo Vũ Công Lập chia sẻ, để sách khoa học đến gần hơn với bạn đọc, các phương tiện truyền thông cần tổ chức giới thiệu sách sâu sắc hơn, thú vị hơn để lôi cuốn bạn đọc. Các nhà sách nên thay đổi cách thức bán sách, tạo môi trường tương tác gần gũi hơn giữa người mua sách và người tư vấn sách.

Nhà báo Vũ Công Lập còn chỉ rõ, phải thành lập các câu lạc bộ những người yêu sách tạo thành môi trường để trao đổi, học hỏi kiến thức lẫn nhau. “Làm như vậy để mỗi người dù không có cơ hội đọc được nhiều sách cũng có thể nắm được tinh thần, nội dung chính của cuốn sách”- nhà báo Công Lập nói.

Các diễn giả chia sẻ về ý nghĩa của sách với cuộc sống con người. Ảnh: Hà Thế An.
Các diễn giả chia sẻ về ý nghĩa của sách với cuộc sống con người. Ảnh: Hà Thế An.

Đồng quan điểm với nhà báo Vũ Công Lập, dịch giả Phạm Văn Thiều cho rằng, cần phải xây dựng thói quen đọc sách cho các em học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Thói quen đọc sách phải được nuôi dưỡng từ thuở bé và phải duy trì nó từng ngày.

“Mỗi giáo viên cần phải là một người yêu sách, ham thích đọc sách. Như vậy mới có phương pháp định hướng và truyền thụ niềm ham thích đọc sách cho học trò mình. Định hướng từ nhà trường là rất quan trọng để hình thành văn hóa đọc sách cho học sinh trong suốt quãng thời gian các em đi học”- dịch giả Thiều nói.