Luôn suy tư về việc đưa nghiên cứu cơ bản ra ứng dụng, TS Phạm Thành Huy cho rằng trong điều kiện eo hẹp của Việt Nam, nên bắt đầu từ việc thay thế dần những sản phẩm đơn giản, chi phí thấp vẫn đang phải nhập từ nước ngoài. Ông và nhóm của mình cũng đang làm như vậy.
Công tác tại Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (KH&CN-AIST), Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS-TS Phạm Thành Huy cũng là cộng tác viên quen thuộc của nhiều tờ báo và tạp chí - nhất là các ấn phẩm về khoa học.
Nhà nghiên cứu năng động
Hồi tưởng về thời điểm hơn 10 năm trước, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), TS Huy kể: “Tôi may mắn khi trở về nước công tác đúng vào thời điểm Nhà nước có sự thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách đầu tư cho KH&CN”.
Năm 2007, sau 6 năm làm việc ở Trung tâm Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu - ITIMS (nay là Viện ITIMS), TS Phạm Thành Huy được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Viện Tiên tiến KH&CN (AIST) - nơi được Nhà nước đầu tư để trở thành đơn vị nghiên cứu trọng điểm. Không cam lòng “đắp chiếu” các sản phẩm nghiên cứu hoặc ngồi chờ chúng được ai đó để mắt đến, ông cùng cộng sự đã chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, tìm hiểu doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề gì về kỹ thuật, công nghệ để hợp tác triển khai.
Một trong những thành công của sự kết nối này là công nghệ chế tạo bột phát quang 3 màu kích thước hạt cỡ micromet, bột huỳnh quang phát sáng trắng và bột điện tử có kích thước nanomet giúp tiết kiệm điện năng, thời gian chiếu sáng lớn, đã được sản xuất thử nghiệm tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Các bóng đèn do nhà máy sản xuất trước đó có thời gian chiếu sáng cao nhất là 10.000 -12.000 giờ; trong khi đèn công nghệ mới có thời gian chiếu sáng 20.000-22.000 giờ, chất lượng ánh sáng tốt hơn và độ sáng cao hơn tới 125%.
“Làm nghiên cứu thú vị lắm, nhất là khi hợp tác với doanh nghiệp. Có những lúc đau tim, tưởng mình không hoàn thành, rồi ngỡ ngàng khám phá ra giá trị của nghiên cứu. Có lúc hồi hộp vài tháng liền chờ kết quả từ người nông dân” - TS Huy tâm sự.
Đôi mắt ông Huy lấp lánh khi kể về một kỷ niệm khó quên: “Tôi nhớ lần thử nghiệm đèn chuyên dụng chiếu sáng cho thanh long. Trong vài tháng liền, lúc nào tôi cũng hồi hộp chờ đợi kết quả từ bà con.
Thông thường, cây thanh long phải chiếu sáng từ 12-25 ngày tùy theo mùa. Sau một thời gian, cây bắt đầu ra hoa, lúc này hoa nhiều hay không mới khẳng định được thành công của đèn chiếu sáng. Khi bà con gọi điện đặt hàng 10.000 bóng đèn, tương ứng với 10ha thì tôi cảm thấy như vỡ òa. Đó là giây phút chờ đợi hồi hộp và hạnh phúc của các nhà khoa học”.
Hiện PGS-TS Phạm Thành Huy và các cộng sự phối hợp nghiên cứu công nghệ led, diot phát quang ánh sáng trắng và công nghệ chiếu sáng rắn. Đèn led chủ yếu được nhập khẩu nguyên chiếc với giá thành cao; mục đích của nhóm là nội địa hóa từng bộ phận của đèn, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Viết báo để chia sẻ kinh nghiệm
Tại Viện AIST, TS Huy vừa nghiên cứu, vừa làm quản lý và trực tiếp giảng dạy, vậy mà ông vẫn tìm được kẽ hở thời gian để viết bài cho các báo, tạp chí. Ông viết về những vấn đề khoa học mình tâm đắc, muốn được chia sẻ và cả theo đơn “đặt hàng” của các tòa soạn. Trong câu chuyện với tôi, ông hào hứng kể về bài viết vừa hoàn thành về mô hình làm việc ở Việt Nam nhờ đổi mới KH&CN mà đạt năng suất lao động tương đương Malaysia, Singapore...
“Tôi có may mắn được trải nghiệm công việc ở nhiều lĩnh vực. Vì thế, nhu cầu viết bài nảy sinh như một lẽ tự nhiên. Tôi từng viết về cách xây dựng và điều hành các nhóm nghiên cứu, công tác xây dựng phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, mô hình hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, vai trò và tác động của những chính sách khoa học mới tới hoạt động KH&CN. Một số bài tôi viết về các công nghệ và sản phẩm mới mà chúng tôi đã chuyển giao thành công cho doanh nghiệp” - ông Huy kể.
Theo ông, các bài viết đó một mặt khích lệ hoạt động KH&CN, giúp các đơn vị khoa học rút kinh nghiệm, học hỏi được cách làm hiệu quả từ thực tế trong bài báo, một mặt đề xuất ý tưởng mới đến các cơ quan quản lý, tạo môi trường hoạt động KH&CN thuận lợi hơn.
Nhà khoa học mê viết báo chia sẻ, ông luôn chú trọng tìm cách viết phù hợp với mỗi ấn phẩm báo chí khác nhau, sao cho các thông tin và kiến thức khoa học được truyền tải hiệu quả nhất đến đối tượng độc giả của ấn phẩm báo chí đó.
“Ngôn ngữ khoa học thuần túy khô khan, khó hiểu, thường chỉ dành cho một nhóm đối tượng nhỏ, hiểu biết về lĩnh vực đó. Trong khi đó, khoa học vốn hấp dẫn và thú vị. Nhiệm vụ của người viết là truyền tải được nét hấp dẫn đó bằng ngôn ngữ” - TS Huy nói và hóm hỉnh bảo, khoa học không hề khô khan nên nhà khoa học cũng không khô khan như nhiều người tưởng: “Rất nhiều nhà khoa học khi về già đều làm thơ đó thôi!”.
Trong mạch chuyện về cái duyên với báo chí, ông Huy kể lại một kỷ niệm khi tham gia chương trình trực tuyến của VOV: “Một thính giả lớn tuổi đã gọi trực tiếp tới chương trình và hỏi rằng bác làm nghề may vá, với chiếc máy khâu luôn chuyển động thì bác có thể treo một chiếc đèn led ở bên dưới không. Tôi trả lời là có, vì đèn led bền hơn bóng đèn thủy tinh cũ nhiều lần. Tôi cảm thấy mỗi câu chuyện nhỏ như vậy đều thú vị và có ý nghĩa, bởi mình đã giúp được ai đó”.
Chính vì mục đích và niềm tin “giúp được ai đó” qua các bài viết của mình mà TS Phạm Thành Huy khẳng định, dù sắp tới công việc nghiên cứu, đào tạo rất bận, ông vẫn sẽ tiếp tục viết báo.
“Nếu có vấn đề mới mà khi chia sẻ sẽ đem lại lợi ích chung, để mọi người có thể học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, làm việc hiệu quả hơn, thì chắc chắn tôi sẽ viết” - ông Huy nói.
PGS-TS Phạm Thành Huy sinh năm 1972, hiện là Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông từng học tập và nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sỹ tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), làm chủ nhiệm và tham gia 7 đề tài, dự án nghiên cứu ở các cấp quản lý khác nhau, đã công bố 200 công trình khoa học trong đó có 50 công trình trên các tạp chí quốc tế. Các hướng nghiên cứu chính của PGS-TS Phạm Thành Huy là: Vật liệu nano bán dẫn và ôxít kim loại ZnS, ZnO, TiO2 và ứng dụng; vật liệu và linh kiện quang điện tử trên cơ sở nano Si; vật liệu phốtpho cho đèn huỳnh quang compact và cho điốt phát quang ánh sáng trắng (WLED); vật liệu nano carbon và ứng dụng. |