Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh, đề tài dự án trước đây đều do các nhà khoa học đề xuất, nhưng hiện nay cơ chế này đã không còn phù hợp, mà điều quan trọng là ai đặt hàng và đặt hàng như thế nào?

Ý kiến trên được nêu tại buổi tọa đàm “Cơ chế, chính sách nâng cao vai trò KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” trong khuôn khổ Hội nghị giao ban vùng ĐBSCL tại An Giang.

Xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho vùng

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công nghệ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết hiện 25.000 doanh nghiệp Việt Nam mới có 1 bằng sáng chế mỗi năm, mấy nghìn tổ chức KH&CN chỉ có vài chục bằng sáng chế mỗi năm. “Lãnh đạo bộ đang suy nghĩ việc thay đổi cách tiếp cận với đề tài, nhiệm vụ KH&CN” - Thứ trưởng nói.

Ông Bùi Văn Quyền - Văn phòng Bộ KH&CN - nhận xét: “Toàn bộ các nhiệm vụ KH&CN ở Việt Nam mới dừng lại ở nghiên cứu - mức đầu trong 3 mức: Nghiên cứu - ứng dụng - xây dựng mô hình. Các đơn vị chỉ làm cho xong nhiệm vụ, ra kết quả chứ không quan tâm nó được ứng dụng hay không”.

Người dân An Giang thu hoạch cá chép giòn lồng. Ảnh: Xuân Trường

Thừa nhận việc xác định nhiệm vụ ở khu vực ĐBSCL chưa bám sát thực tiễn, Thứ trưởng Thanh nói: “Một chương trình phải xác định được mục tiêu và vấn đề cần theo đuổi. Chương trình Tây Nam Bộ liệu có thể chỉ giải quyết việc thích ứng với xâm nhập mặn không? Đây là vấn đề cần mổ xẻ và giao cho một tổ chức KH&CN chủ trì”.

Bà Đinh Thị Việt Huỳnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN An Giang - giới thiệu mô hình tỉnh này đang áp dụng để xác định hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN: “Sở KH&CN về địa phương hướng dẫn, mời các viện, trường, nhà khoa học cùng đề xuất ý tưởng đặt hàng. Sau đó, hội đồng do sở lập ra tham mưu cho tỉnh chọn đề tài, dự án. Năm 2015, với 200 ý tưởng, sở đã mời hội đồng thẩm định, chọn ra 34 đề tài để đấu thầu công khai. Có đề tài thu hút 6 nhà đấu thầu”. Giải pháp này được Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao và cho rằng các sở KH&CN khác có thể học hỏi.

Sự hiện hữu của Industry 4.0

“Thủ tướng đã đặt vấn đề đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thử nghiệm nuôi tôm ở An Biên (Kiên Giang) - huyện chịu tác động mạnh nhất của xâm nhập mặn - để nghiên cứu giải pháp đồng bộ cho việc nuôi tôm. Từ mô hình An Biên sẽ đưa quy trình về giống, cách nuôi” - Thứ trưởng Thanh nói, đồng thời chia sẻ về một làn sóng mới đang hiện hữu và tác động đến khu vực Tây Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung, đó là cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0.

“Cuộc cách mạng 4.0 nghe thì xa vời, nhưng thật ra đã ở ngay cạnh. Đơn cử, Nhật Bản, Đức vốn không quan tâm tới dệt - may do phải dùng nhiều lao động, nhưng nay đã chú trọng ngành này khi công nghiệp robot phát triển. Chúng ta cần nghĩ chương trình cơ khí hiện nay còn phù hợp trong 5-10 năm tới khi công nghệ in 3D ra đời. Nếu không có sự chuẩn bị, có thể 5 năm tới chúng ta sẽ bị hẫng trước sự phát triển của thế giới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tài chính vẫn là vướng mắc lớn

Bà Lê Thị Phụng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Tiền Giang - thắc mắc: “Nghị định 95/2014 quy định không dùng kinh phí sự nghiệp KH&CN để mua sắm. Tuy nhiên theo thông tư 29, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm thông tin và Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, nhưng Sở Tài chính chưa cấp vốn mua sắm trang thiết bị để hoạt động”.

Ông Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ - nêu: Theo Luật Ngân sách mới, huyện, xã không được cấp nhiệm vụ, không được chi ngân sách cho đề tài, nhiệm vụ KH&CN. Điều này khiến Cần Thơ lúng túng bởi vẫn còn 35 đề tài, dự án cấp huyện đang thực hiện từ trước.

Giải đáp các thắc mắc trên, Thứ trưởng Thanh cho biết: “Bộ KH&CN trình dự thảo sửa đổi Nghị định 95 lên phó thủ tướng. Vấn đề ùn tắc trong mua sắm thiết bị mà Tiền Giang gặp phải đã được sửa đổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến không cho phép dùng vốn sự nghiệp để mua sắm do sợ trùng với vốn đầu tư. Vấn đề này cũng đã được bàn bạc, xử lý và thống nhất để tránh bị trùng lặp”.

Thứ trưởng cũng giải thích: “Nhiệm vụ của cấp huyện không phải nghiên cứu, nên sẽ chỉ có đề tài cấp tỉnh. Cấp huyện vẫn được cấp kinh phí, nhưng không được tổ chức đề tài nghiên cứu. Hoạt động ứng dụng và chuyên môn quản lý KH&CN vẫn có thể được triển khai”.