Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã chế tạo thành công dây chuyền xử lý phân gia cầm thành phân vi sinh. Đây là dây chuyền đầu tiên được sản xuất trong nước.
Hiện nay, nhiều người dân đã biết cách xử lý phân gia súc, gia cầm thành phân bón. Tuy nhiên, với những hộ nhỏ lẻ chủ yếu làm bằng các phương pháp ủ truyền thống, thủ công, năng suất, chất lượng phân chưa cao, tốn nhiều công lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Trong nước cũng đã có một số đơn vị sản xuất phân vi sinh bằng phương pháp vắt khô bằng trục vít và sấy khô bằng máy sấy thùng quay hoặc băng tải. Tuy nhiên, việc sấy phân ở nhiệt độ 140 - 200oC thường làm cho các vi khuẩn có lợi trong phân bị chết, làm chất lượng phân vi sinh không được đảm bảo. Trong khi đó, dây chuyền máy móc xử lý phân được một số cơ sở chăn nuôi lớn đầu tư chủ yếu là nhập ngoại với giá thành khá cao.
Dây chuyền xử lý phân vi sinh của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch có hệ thống chính là máy đảo phân gà tự động, kèm theo các bộ phận máy khác như trục vít định lượng, máy trộn, đóng bao,… Máy đảo phân hoạt động theo nguyên lý như máy phay đất, có hệ thống điều khiển tự động hoàn toàn, kể cả tốc độ di chuyển và có khả năng làm việc liên tục 24/24 giờ.
Phân gà hoặc phân heo, phân bò tươi sau khi được phối trộn thêm các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, rơm nghiền nhỏ, vôi hoặc lân, rỉ đường và một số loại chế phẩm vi sinh có ích đem vào buồng ủ 5 - 7 ngày. Với nhiệt độ ủ từ 60 – 80oC, phân được máy đảo đều, tạo ra môi trường thoáng khí cho hệ thống vi khuẩn sống và phát triển để phân hủy các hợp chất hữu cơ và sinh nhiệt. Hoạt động này làm cho nước bay hơi và giảm độ ẩm của phân.
Theo ThS. Đào Vĩnh Hưng, thành viên nhóm nghiên cứu, dây chuyền xử lý phân gia súc, gia cầm nói trên không làm ảnh hưởng đến môi trường, phân xau khi xử lý đạt tiêu chuẩn về số lượng vi sinh, giúp tăng năng suất trong trồng trọt, giảm trừ sâu bệnh,…
"Đây là dây chuyền xử lý phân gia cầm thành phân vi sinh đầu tiên được trong nước sản xuất, đã được ứng dụng tại trại gà ở Đồng Nai, giúp giải quyết môi trường tại chỗ, tận dụng được phế thải trong chăn nuôi” – ông Hưng chia sẻ .
Ông cũng cho biết, nhóm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dây chuyền với mức tự động hóa cao hơn, tiết kiệm năng lượng và giảm thời gian xử lý phân.