Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đại sứ quán Đan Mạch đã ký kết hai văn liên quan đến hỗ trợ của Đan Mạch trong lĩnh vực tăng cường an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững chuỗi giá trị thịt lợn. Thỏa thuận trên đánh dấu việc khởi động dự án hợp tác ba năm giai đoạn 2 giữa hai chính phủ Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tập trung vào tăng cường an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn.

Cụ thể, giai đoạn 2 của dự án Hợp tác Ngành Chiến lược (SSC) trong chuỗi giá trị thịt lợn sẽ tập trung vào quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý thuốc thú y, các thực hành tốt trong chăn nuôi, tăng cường năng lực về quản lý an toàn thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y dựa trên đánh giá các mối nguy.

Từ năm 2017, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác trong chương trình SSC về an toàn thực phẩm với mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững của chuỗi giá trị thịt lợn. Giai đoạn II của dự án hợp tác giữa hai chính phủ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2020 và kéo dài trong ba năm.


Lễ ký hai văn bản liên quan đến hỗ trợ của Đan Mạch trong lĩnh vực tăng cường an toàn thực phẩm tại Việt Nam ngày 3/12. Ảnh: icars-global.org

Cũng trong dịp này, Bộ NN&PTNN và Trung tâm Quốc tế về các Giải pháp đối phó với Kháng kháng sinh (ICARS) đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ đối tác trong giảm thiểu sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia hợp tác với ICARS để xây dựng các dự án thí điểm giảm thiểu kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Kể từ năm 2015, Việt Nam và Đan Mạch đã triển khai chương trình SSC trong lĩnh vực y tế, giáo dục và an toàn thực phẩm với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm, tăng số lượng việc làm và tăng cường sự thịnh vượng ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ SSC, các cơ quan chính phủ của Đan Mạch đã thiết lập quan hệ đối tác để hỗ trợ các cơ quan đối tác thuộc các Bộ của Việt Nam về mặt chuyên môn và chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của Đan Mạch phù hợp với ưu tiên, điều kiện và nhu cầu thực tế của Việt Nam.