Các chuyên gia kỹ thuật trong hoạt động đánh giá công nhận cần tuân thủ theo các quy định để đảm bảo tính thống nhất, hướng tới “Một tiêu chuẩn, một kết quả đánh giá sự phù hợp, chấp nhận ở mọi nơi”.
Đó là những yêu cầu được ông Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa ra tại Hội thảo “Các yêu cầu công nhận nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống chuyên gia kỹ thuật khu vực phía Nam phục vụ công tác công nhận” được Văn phòng Công nhận chất lượng tổ chức ngày 29/7 tại TPHCM.
Đây cũng là hoạt động thường niên của Văn phòng Công nhận chất lượng tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đảm bảo sự thống nhất trong quá trình đánh giá công nhận cho các chuyên gia đánh giá, đặc biệt là chuyên gia kỹ thuật.
Hội thảo đã thu hút gần 80 chuyên gia kỹ thuật đến từ các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, phòng xét nghiệm y tế khu vực phía Nam.
Ông Thủy cho biết, tính đến tháng 7/2017, có 55 tổ chức giám định, 57 tổ chức chứng nhận sự phù hợp, 1031 phòng thí nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau và 65 phòng xét nghiệm y tế trên cả nước đã được cấp chứng chỉ công nhận. Hoạt động công nhận này là công cụ hữu ích cho việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các quốc gia với nhau, góp phần thực hiện mục tiêu mà thương mại toàn cầu đang hướng tới “Một tiêu chuẩn, một kết quả đánh giá sự phù hợp, chấp nhận ở mọi nơi”. Do đó, các chuyên gia cần tuân thủ theo các quy định để đảm bảo tính thống nhất, cập nhật thường xuyên các chỉ tiêu đánh giá...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao vai trò của hoạt động công nhận. Đặc biệt là vai trò và giá trị của hoạt động công nhận đã được thừa nhận ở mọi quốc gia trên toàn thế giới, cũng như đóng góp của Văn phòng Công nhận Chất lượng, các chuyên gia kỹ thuật trong hoạt động đánh giá công nhận. Hoạt động này khẳng định năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận phục vụ cho quản lý nhà nước và hội nhập.
Theo ông Đà, năng lực của các chuyên gia kỹ thuật góp phần rất lớn vào chất lượng của hoạt động công nhận. Thông tin trong quá trình đánh giá cần được các chuyên gia cập nhật, trao đổi và thống nhất để có được kết quả chính xác và nhất quán. Đây cũng chính là những thách thức đối với hoạt động công nhận ở Việt Nam và đặc biệt đối với Văn phòng Công nhận chất lượng.
Trước những tồn tại như việc xử lý hồ sơ khách hàng và cấp chứng chỉ chậm so với yêu cầu, công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động đánh giá còn yếu,… Theo ông Thủy, trong thời gian tới, Văn phòng Công nhận chất lượng sẽ tiếp tục phát triển hoạt động công nhận theo sát nhu cầu của quản lý nhà nước, mở rộng các chương trình công nhận quốc tế thừa nhận, giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập tốt hơn với thế giới.
"Ngoài ra, Văn phòng cũng sẽ xây dựng các chương trình công nhận mới theo nhu cầu của xã hội và triển khai đăng ký hồ sơ trực tuyến", ông Thủy cho biết.
Kiều Anh