Đánh giá về hoạt động TĐC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh coi đây là mặt trận xung kích của lĩnh vực KH&CN, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngăn chặn sản phẩm hàng hóa kém chất lượng
Xây dựng các quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) là một trong các nhiệm vụ chính của Tổng cục TĐC. Các QCVN, TCVN có vai trò ngày càng quan trọng, trở thành trọng tâm của hoạt động thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ, tính mạng con người. Việc ban hành các QCVN, TCVN cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Công tác tiêu chuẩn hoá được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện có trên 9.500 TCVN, trong đó 47% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và hơn 650 QCVN, do 13 bộ xây dựng, ban hành đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Trần Văn Vinh (giữa) nhận chứng nhận “Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước” từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 21/5/2017. Ảnh: Huy Hùng
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Để phục vụ sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo, đã có 33 phép đo của Việt Nam được Tổ chức Đo lường quốc tế công nhận (CMC/CIPM) trong 6 lĩnh vực đo lường: Độ dài, khối lượng, dung tích lưu lượng, áp suất, thời gian tần số, nhiệt độ. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng. Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong hoạt động quản lý chất lượng, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản dưới luật đã ra đời, ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa giúp các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kiểm tra hàng hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông. Sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ cả trước và sau khi đưa ra thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, ISO 22000, HACCP... đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được áp dụng thành công ở hàng ngàn doanh nghiệp và các đơn vị hành chính để đảm bảo chất lượng, đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế” - ông Vinh cho biết.
Song song với các hoạt động trên, công tác kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu đã trực tiếp bảo vệ lợi ích nhà nước và người tiêu dùng. Qua kiểm tra, cơ quan
chức năng đã phát hiện, xử lý và ngăn chặn nhiều trường hợp nhập khẩu hàng hoá không bảo đảm chất lượng, góp phần chống gian lận thương mại, cùng các cơ quan quản lý khác của Nhà nước chống thất thu cho ngân sách nhiều chục tỷ đồng.
Giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Nói về vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng cục TĐC, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, đơn vị nỗ lực thực hiện các tiêu chí của giải thưởng Chất lượng Việt Nam trong suốt 20 năm qua - cho biết tổng cục đã luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị, hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng khác.
“Việc tham gia giải thưởng Chất lượng Việt Nam, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất để đem lại sản phẩm tốt nhất đã giúp doanh nghiệp trưởng thành lên rất nhiều. Khi chất lượng sản phẩm tăng lên, thị trường được mở rộng, có nguồn lực, chúng tôi lại tiếp tục đầu tư vào KH&CN để tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao. Đây là lợi ích rõ nhất mà doanh nghiệp và xã hội nhận được” - ông Báo ghi nhận.
Ông Trần Văn Vinh vui mừng chia sẻ, với những nỗ lực trong suốt 55 năm qua, trong dịp này, Tổng cục TĐC tiếp tục được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. “Đây là nguồn động viên to lớn, thể hiện rõ rệt nhất sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với ngành TĐC”.
Ngày 4/4/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 43/CP thành lập Viện Đo lường và Tiêu chuẩn thuộc Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật nhà nước, là tiền thân của Tổng cục TĐC. Trước khi nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai (năm 2017), tổng cục đã 2 lần được trao Huân chương Lao động (hạng Nhì năm 1987, hạng Nhất năm 2000), 3 lần nhận Huân chương Độc lập (hạng Ba năm 2002, hạng Nhì năm 2007, hạng Nhất năm 2012). Tổng cục cũng là một trong 30 tổ chức, cá nhân được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam - dấu ấn 30 năm đổi mới” ngày 21/5/2017. |