Thiết bị gọn nhẹ, tự động hoàn toàn, nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn là những ưu điểm của hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Plasma giúp Phòng khám đa khoa Biên Hòa Sài Gòn tiết kiệm chi phí do hiệu quả xử lý cao và không cần nhân công vận hành.

Thiết bị này do PGS.TS. Trần Ngọc Đảm - Phòng Nghiên cứu năng lượng và Môi trường CES Plasma, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - giới thiệu tại Hội thảo xử lý nước thải bằng công nghệ Plasma do Trung tâm thông tin KH&CN TPHCM tổ chức ngày 26/7.

Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ plasma. Hệ thống này đã được lắp đặt tại một số cơ sở như Phòng khám đa khoa Biên Hòa Sài Gòn (Đồng Nai), Thẩm mỹ viện Kiều Xuân (Đắk Lắk), Khách sạn Hải Yến (Thanh Hóa), Công ty Việt Thành (Bình Dương),...

TS. Trần Ngọc Đảm giới thiệu về hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ plasma
TS. Trần Ngọc Đảm giới thiệu về hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ plasma

TS. Trần Ngọc Đảm cho biết, Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất trong đó các phân tử khí bị ion hóa thành electron và ion tự do bằng việc nhận năng lượng bức xạ điện hoặc nhiệt.

Trong môi trường Plasma, các electron chuyển động với vận tốc rất lớn, va đập vào các phân tử trong vùng không gian giữa hai điện cực và cung cấp cho các phân tử một năng lượng, làm phá vỡ các liên kết tạo ra các ion, điện tử, photon, nguyên tử, gốc tự do.

Song song với quá trình phân ly còn có quá trình tái hợp. Trong hàng triệu các phản ứng tái hợp sẽ có có các phản ứng mà sản phẩm của nó là các gốc oxy hóa rất mạnh như OH, O, H, O3, H2O2 sẽ phân hủy toàn bộ các hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm.

Hệ thống xử lý nước thải hóa chất tại Phòng phân tích thí nghiệm Đồng Tháp
Hệ thống xử lý nước thải hóa chất tại Phòng phân tích thí nghiệm Đồng Tháp

Theo TS. Đảm, sử dụng công nghệ plasma sẽ xử lý triệt để và hiệu quả các thành phần ô nhiễm trong nước. Vì thông qua quá trình xử lý plasma, các thành phần khó phân hủy trong nước thải được chuyển về dạng đơn chất. Quá trình này giúp thu gom chất thải trong nước bằng quá trình keo tụ, tạo bong lắng diễn ra đơn giản, thời gian thu gom được rút ngắn. Đối với các công nghệ xử lý nước thải truyền thống như bằng hóa chất, vi sinh, màng lọc RO,… không đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất còn gây ra các vấn đề về môi trường như có thể tạo ra hợp chất độc hại như halogen, NOx, HNO3,…

Thiết bị không dùng hóa chất, sử dụng đơn giản, tự động hoàn toàn nên không cần đến nhân công vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống có thể cao hơn từ 30 - 40% so với các công nghệ truyền thống khác. Đối với các công nghệ truyền thống, chi phí xử lý khoảng 500 đồng/lít nước thải, thì với công nghệ Plasma chỉ khoảng 33 đồng/lít nước thải. Tuy nhiên, nếu tính bài toán tổng thể về hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, tiết kiệm được đến 30% so với mô hình truyền thống, TS. Đảm cho biết.

BS Trần Hữu Hậu - Phòng khám Đa khoa Biên Hòa Sài Gòn cho biết, thiết bị nhỏ gọn, vận hành ổn định, thuận lợi cho các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Ngoài ra, có thể dùng cho các bệnh viện vì hệ thống có thể tăng công suất theo khối lượng nước thải cần xử lý.

"Khi các phòng khám nhỏ lẻ chưa lắp đặt hoặc có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn do như chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cao, mặt bằng xây dựng chiếm diện tích lớn, thì hệ thống xử lý bằng công nghệ Plasma là một lựa chọn tối ưu", BS. Hậu chia sẻ.