Đó là quan điểm của ông Duck Ryul Hong - Hiệu trưởng Đại học Daegu, Hàn Quốc, được chia sẻ tại hội nghị thường niên các khu công viên khoa học châu Á - ASPA 2017, được tổ chức tại TPHCM ngày 20/10.
Ông Duck Ryul Hong cho rằng, phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có chiến lược phát triển phù hợp trong thời cách mạng công nghiệp 4.0... là những yếu tố quan trọng để các khu công viên khoa học phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Các khu công viên khoa họccần đầu tư để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm thay vì chạy theo số lượng; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng tốc.
Các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ các khu công viên khoa học phát triển cũng được ông Duck Ryul Hong đánh giá là rất quan trọng. Tuy nhiên, các khu công viên khoa học phải đóng vai trò chủ đạo, tích cực trong việc phát triển công nghệ mới, các ngành quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0.
Cùng quan điểm trên, ông Yeong Junaq Wang - Giám đốc khu công viên khoa học Tân Trúc, Đài Loan - cho rằng, khu công viên khoa họcphải tạo được nền tảng đổi mới sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực, ý tưởng trong xã hội để giải quyết những vấn đề của đất nước và nhân loại.
Ông Yeong Junaq Wang cho rằng khu công viên khoa học Tân Trúc đang đứng trước nhiều thách thức: Tập trung chủ yếu vào các ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thiếu nhân tài; thiếu khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và thiếu động lực để phát triển ra toàn cầu. Để giải quyết thực trạng đó, Tân Trúc đã đa dạng hóa các ngành nghề khác như công nghệ sinh học, y tế...; tập trung vào nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp; có chính sách tạo điều kiện làm việc tốt hơn để thu hút và giữ chân nhân tài; tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cũng như phát triển ra toàn cầu.
Khu công viên khoa học công nghệ đang được TPHCM nỗ lực xúc tiến thành lập tại quận 9 với quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng TPHCM thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thành phố mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư.
"Thành phố cũng cần sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cần được hiến kế và đề xuất các giải pháp đột phá để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn. TPHCM cũng cam kết thực hiện nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng Chính phủ điện tử - thành phố thông minh; tháo bỏ các điểm nghẽn về cải cách hành chính; đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu phân bổ các nguồn lực trên địa bàn thành phố" - ông Phong nhấn mạnh.
Hội nghị ASPA lần thứ 21 diễn ra từ ngày 19 - 21/10 với sự tham dự của gần 400 đại biểu, trong đó có 90 đại biểu nước ngoài đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Butan, Đài Loan, Singapore, Malaysia… Chủ đề chính của hội nghị năm nay là “Công viên khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”.