Chiều tối 7/9, ông Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đại diện các sở, ban, ngành, trường, viện, doanh nghiệp, vườn ươm… về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đại học phải là “nôi” thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trong báo cáo tại sự kiện này về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh vai trò của các trường đại học: “Hoạt động ĐMST phải xuất phát từ hoạt động nghiên cứu và phát triển của các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học. Hỗ trợ ĐMST không chỉ có ở khu vực trường học, startup, trường viện mà phải cả ở các doanh nghiệp hiện hữu”.
Tán thành với ý kiến này, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, trường đại học phải là nơi phát hiện và bồi dưỡng các nhân tài, các doanh nhân, nhà quản lý,,nhà chuyên môn giỏi liên quan tới lĩnh vực cần thúc đẩy phát triển.
“Khởi nghiệp phải được gắn vào trường đại học. Từ đó, đại học cũng cần phải nghiên cứu, cung cấp các giải pháp nghiên cứu mới, hình thành các ý tưởng, nuôi dưỡng các ý tưởng mới thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Trách nhiệm của trường đại học là phải làm được việc này ”, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Lắng nghe cộng đồng khởi nghiệp
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, khởi nghiệp sáng tạo khác với khởi nghiệp truyền thống ở chỗ, bản thân những người khởi nghiệp cũng tham gia vào nghiên cứu sáng tạo và nung nấu biến kết quả nghiên cứu để khởi nghiệp.
Tại sự kiện, nhiều vấn đề mà cộng đồng khởi nghiệp đề xuất đã được Bí thư Thành ủy TPHCM cũng như Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM ghi nhận và gỡ khó.
TS Lê Hoàng Anh - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Dragon Capital, thành viên sáng lập VIISA - cho biết, Quỹ VIISA đã có 7 doanh nghiệp tốt nghiệp đợt 1 trong hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp gọi được vốn thêm từ bên ngoài và 1 doanh nghiệp gọi vốn thêm từ chương trình Speedup của Sở KH&CN. Đợt thứ 2, quỹ chọn được 12 trong số 160 doanh nghiệp. Điều đặc biệt là 12 doanh nghiệp này đến từ 11 quốc gia. Quỹ này đã bỏ 6 triệu USD nhưng chưa tiêu được bao nhiêu và đang gặp khó trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ngay khi ông Hoàng Anh chia sẻ về việc phải đi lại 5 lần để xin giấy phép, ông Lê Thanh Liêm đã gọi điện thoại và “điều” ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - đến tham dự buổi gặp gỡ. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết vừa giải quyết hồ sơ của đơn vị này trong ngày và hứa sẽ xem lại việc doanh nghiệp phải đi lại 5 lần.
Phó Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao TPHCM Dương Minh Tâm chia sẻ: Các doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nghiệp rời khỏi vườn ươm không biết đi về đâu do thiếu không gian hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi trưởng thành. Thừa nhận ý kiến này là chính xác, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói: “Vấn đề các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tốt nghiệp sẽ đi về đâu, Thành ủy TPHCM cũng đang bàn và cuối năm sẽ có trả lời về vấn đề này”.
Nhiều ý kiến về tốc độ thực hiện các thủ tục pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, các vướng mắc về chuyện cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân còn chưa rõ... cũng đã được Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM Sử Ngọc Anh cùng lãnh đạo TPHCM ghi nhận, hứa giải quyết sớm trong phạm vi của TPHCM và sẽ kiến nghị đối với những lĩnh vực vượt thầm quyền của thành phố.
Kết thúc buổi gặp gỡ, các đại biểu đều đồng tình rằng mô hình liên kết doanh nghiệp - nhà nước - trường - viện - nhà đầu tư chính là tiền đề thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo bền vững phát triển.
Trong thời gian sắp tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như: Hình thành không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP); triển khai thực hiện đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chuyên gia...; xây dựng các chương trình mục tiêu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, khoa học dữ liệu (Big data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, công nghệ CNC, công nghệ in 3D, ứng dụng tế bào gốc trong y học… để định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố.