Ngày 12 tháng 02 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 463/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00065 cho sản phẩm Sò huyết Ô Loan nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Ô Loan là tên một đầm thuộc huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Dưới thời phong kiến, các quan khi về Phú Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết. Phong cảnh non xanh nước biếc của Ô Loan và sản phẩm sò huyết nổi tiếng là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết :

“Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp

Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh”.

Năm 1997, đặc sản sò huyết “số một” này là một trong những yếu tố để đầm nước lợ Ô Loan được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Sò huyết Ô Loan thuộc giống sò A.granosa, thân sò tròn, vỏ dày dạng hình trứng, hai vỏ bằng nhau. Mặt ngoài vỏ có gờ phóng xạ phát triển và vòng sinh trưởng. Số lượng gờ từ 20 đến 22 gờ, trên mỗi gờ có nhiều hạt hình chữ nhật. Bản lề rộng, hình thoi, có màu nâu đen. Vết cơ khép vỏ sau lớn hình tứ giác, vết cơ khép vỏ trước nhỏ hơn, hình tam giác. Mặt ngoài vỏ sò huyết có màu nâu đen, xám trắng, mặt trong vỏ có màu trắng sứ. Lượng huyết nhiều và màu đỏ tươi.

Chiều dài sò huyết Ô Loan từ 31,41 mm - 35,62 mm, chiều rộng từ 20,83 mm - 23,85 mm, chiều cao từ 21,19 mm - 25,90 mm, khối lượng sò từ 8,95 g - 13,67g, khối lượng vỏ sò từ 5,44 g - 8,02g, trọng lượng thịt (thịt và huyết) từ 3,25 g- 5,27g.

Chất lượng trong 100g thịt sò huyết Ô Loan được cụ thể như sau: Hàm lượng Protein từ 11,19 %- 13,07 %; hàm lượng chất béo Lipid từ 1,03 %- 1,29 %; hàm lượng Vitamin A từ 88,53 IU/100g - 103,24 IU/100g; hàm lượng Vitamin B12 từ 0,40 IU/100g - 0,50 IU/100g; hàm lượng Ca từ 11,46 mg/100g - 14,81 mg/100g; hàm lượng Fe từ 3,67 µg/100g - 4,77 µg/100g; hàm lượng nước từ 78,65 % - 80,67 %.


Những tính chất, chất lượng đặc thù của sò huyết Ô Loan có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kỹ thuật nuôi sò huyết của người dân.

Đầm Ô Loan là vực nước ven bờ biển do lưu vực vùng cửa sông tạo nên. Đầm Ô Loan là loại đầm kín, trải dài theo hướng Bắc - Nam, chạy song song với bờ biển và ngăn cách với bờ biển bởi một dải cát, đầm tiếp nhận nước từ các sông Phượng Lụa, sông Gò Duối và thông với biển qua cửa Tân Quy xã An Hải. Đáy đầm tương đối bằng phẳng và khá nông, độ sâu từ 1,2m - 1,4m.

Khu vực địa lý nằm sâu trong khu vực nội chí tuyến, có lượng bức xạ mặt trời phong phú. Hàng năm, mặt đầm Ô Loan nhận được nguồn năng lượng mặt trời lớn từ 140Kcal/cm2 - 150Kcal/cm2 với trên 2450 giờ nắng. Nhiệt độ không khí trung bình năm ở đầm Ô Loan là 26,50C, nhiệt độ nước biến thiên đồng bộ với nhiệt độ không khí. Nhiệt độ nước trung bình năm vào tháng 6 là 30,90C, tháng 4 là 30,10C. Nhiệt độ nước thấp nhất vào tháng 1 là 23,70C. Khu vực địa lý có lượng mưa thấp, trung bình năm từ 1500mm đến 1600mm, mưa tập trung từ tháng 9 đến tháng 12.

Đầm Ô Loan có đáy là lớp bùn khá dày. Đặc thù lớp đáy đầm là bề mặt bằng phẳng, mềm và mịn, ở giữa đầm về phía Nam và phía Tây là lớp bùn cát, ở phía Bắc và Đông Bắc là lớp cát bùn. Hàm lượng cacbon hữu cơ từ 0,65% - 1,73%, hàm lượng đạm từ 0,09 % - 0,16 %, hàm lượng lân dễ tiêu từ 51,13 mg/100g - 59,78 mg/100g; hàm lượng lân tổng số từ 0,13 % - 0,16 %, hàm lượng kim loại nặng trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Độ mặn trung bình của đầm từ 28 ‰ - 34 ‰, và biến đổi theo mùa rõ rệt, mùa khô từ 29,91 ‰ - 38,98 ‰, mùa mưa từ 1,07 ‰ - 2,78 ‰.

Hàm lượng ôxy hòa tan và độ pH của nước ít biến động trong năm, thuận lợi cho sò huyết sinh trưởng.

Hàm lượng muối dinh dưỡng trong đầm thấp. Hàm lượng muối phốt phát trong năm từ 0,5 mg P/L - 5,67 mg P/L là nguyên nhân dẫn đến tảo phù du phát triển tốt, là nguồn thức ăn quan trọng cho sò huyết.

Đầm Ô Loan nằm trong hệ sinh thái rong - cỏ biển và là vùng thủy vực trung gian nên khu vực địa lý có nguồn thức ăn phong phú và đa dạng.

Gắn bó với sò huyết từ lâu, người dân vùng đầm Ô Loan có kinh nghiệm trong việc chọn lọc sò huyết giống, chọn địa điểm nuôi, chăm sóc, khai thác sò huyết theo mùa để sò huyết mập, béo, chất lượng dinh dưỡng cao.

Chọn sò huyết giống khỏe, có kích cỡ từ 400 con/kg - 500 con/kg, vỏ ngoài không dập bể, màu nâu đậm, mở vỏ thấy bên trong nội tạng đầy đặn, máu đỏ tươi, để ráo nước tỉ lệ sò giống thò chân bò di chuyển phải đạt trên 95%. Mật độ thả giống là khoảng 6,36 con/m2.

Kinh nghiệm chọn địa điểm nuôi sò huyết là chọn vùng có sò huyết tự nhiên phân bố, môi trường nuôi phải ổn định, vùng nuôi sò huyết phải cách xa hoặc không chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước thải, ưu tiên chọn vùng hạ triều.

Người nuôi sò huyết tiến hành kiểm tra môi trường nước hàng tháng và kiểm tra lưới cọc 3 tháng/lần. Sò huyết chỉ được khai thác khi chiều dài sò huyết đạt từ 3 cm trở lên và từ lúc thả giống đến lúc thu hoạch ít nhất là 12 tháng đối với sò huyết nuôi. Vật liệu dùng để đóng gói sò huyết phải sạch sẽ, thông thoáng. Dán nhãn sản phẩm lên từng túi/hộp sò huyết với mực in không độc hại, trên nhãn sản phẩm phải ghi tối thiểu nội dung “Sò huyết đầm Ô Loan”.

Khu vực địa lý bao gồmXã An Ninh Đông, xã An Hòa, xã An Cư, xã An Hiệp, xã An Hải thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.