Thời gian qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi các khu vực trồng lúa vụ ba mang lại hiệu quả kinh tế thấp sang các mô hình cho giá trị và thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên không phải nhóm nông dân nào cũng có khả năng chuyển đổi dễ dàng. Nghiên cứu “The economic sustainability of rice farming and its influence on farmer decision-making in the upper Mekong delta, Vietnam” [Tính bền vững về kinh tế của canh tác lúa và ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của nông dân ở thượng nguồn đồng bằng sông Mêkông], đăng trên tạp chí Agricultural Water Management cho thấy, các hộ sản xuất nhỏ chưa sẵn sàng cho khả năng chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Phân tích, dựa vào dữ liệu khảo sát ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp để đánh giá động lực khiến nông dân theo đuổi chiến lược thâm canh lúa, cho thấy phần lớn nông dân trồng lúa (66%) nhận thấy canh tác lúa vụ ba vẫn là nguồn sinh kế bền vững về kinh tế trong ngắn hạn. Mặc dù nhiều nông dân trồng lúa nhận ra tính không bền vững về lâu dài của mô hình trồng lúa thâm canh này, nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập ổn định, và điều đó cản trở quá trình chuyển đổi quy mô lớn sang các mô hình canh tác cây khác bền vững hơn. Đồng thời các hộ sản xuất nhỏ cũng thiếu khả năng đầu tư cho chuyển đổi.
Do đó, nghiên cứu này khuyến nghị, cần ưu tiên cho các nhóm nông dân sản xuất nhỏ trong các chiến lược hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống canh tác nông nghiệp.
Lê Anh Vũ