Thách thức mà dịch tả lợn châu Phi đang đặt ra cho ngành chăn nuôi Việt Nam cho thấy, bên cạnh những biện pháp kiểm soát tức thời thì việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách bài bản không chỉ là giải pháp mang tính bền vững cho dịch bệnh này mà còn đem lại bài học kinh nghiệm để ứng phó với các bệnh dịch mới nổi khác.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã càn quét qua 3.980 xã, thuộc 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố, khiến ngành nông nghiệp buộc phải tiêu hủy 2.5 triệu con lợn (chiếm khoảng 7-8% tổng đàn lợn Việt Nam). Suốt từ thời điểm phát hiện dịch – Tết Nguyên đán 2019, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình dập dịch với 50 văn bản chỉ đạo khác nhau, hàng chục cuộc hội thảo trực tuyến nhưng vẫn khó kiểm soát dịch.
Dùng đủ thứ “võ”
Dù dịch đã tràn qua tất cả những khu vực có đàn chăn nuôi lớn của cả nước nhưng đa phần nạn nhân của loại ”giặc” này lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với đặc điểm là bố trí chuồng nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi rất cao, điều kiện vệ sinh phòng bệnh kém và không bảo đảm an toàn sinh học. Hầu như chỉ những doanh nghiệp sở hữu hệ thống trại nuôi lớn, được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ mới trụ lại được qua đợt bùng phát này, tuy nhiên ”thành công” này cũng là do bản thân họ cũng phải áp dụng liên hoàn “các thứ võ” khác nhau, tất cả đều chưa từng có kinh nghiệm ứng phó với loại dịch bệnh mới nổi này.
Tại Hội nghị “Bàn giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn với sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong cả nước” do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 14/6/2019, các doanh nghiệp cho biết, các nguyên tắc an toàn sinh học đều được họ đặt lên hàng đầu, thậm chí trang trại được kiểm soát trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, công nhân phải trực chiến trong trại lợn hàng tháng trời, mới chống đỡ được với dịch. Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh Thuốc thú y Amavet cho biết, trong lúc chưa có thuốc hay vaccine thì doanh nghiệp này phải tìm mọi cách để “chung sống với dịch bệnh” như nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ lợn dương tính với virus và lợn ở các ô chuồng bên cạnh, cô lập trại bị nhiễm, sau đó tiêu diệt virus bằng thuốc sát trùng. Mặt khác, ông cũng thay đổi hình thức chăn nuôi bằng cách nhanh chóng chuyển các trại lợn đang có nhiều nước và dễ lây lan bệnh dịch sang điều kiện khô và tách bạch chuồng trại.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm đối phó tức thời với dịch bệnh, ông Phạm Duy Phẩm, đại diện Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cho biết, đến thời điểm này 3 trại của Trung tâm tại Thụy Phương (Hà Nội), Tam Điệp (Ninh Bình) và Kỳ Sơn (Hòa Bình) vẫn an toàn. Ngay khi dịch bắt đầu vào Việt Nam, Trung tâm đã đồng thời khử trùng nguồn nước, thức ăn, xây dựng nhiều lớp an toàn sinh học, thậm chí ngay cả… tiền khách hàng trả cũng phải được xử lý mầm bệnh.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp khác thì mọi chuyện không suôn sẻ như thế. Trong cảnh bối rối trước sự bùng phát của dịch bệnh nên có doanh nghiệp áp dụng bất kỳ biện pháp nào có thể nghĩ ra như tiêm phòng dịch tả thường, khử trùng chuồng trại bằng nhiều loại dung dịch khác nhau, đồng thời đun nước sôi để dội chuồng trại, sau đó dùng đèn khò… khử trùng mọi ngõ ngách của trại lợn cho đến tăng cường các chế phẩm trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Kết quả đáng mừng là các đơn vị vẫn “bảo vệ đàn lợn giống lợn cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện”, theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Do đó, hiện nay có khoảng 120.00 con giống cụ kỵ, ông bà của 45 đơn vị, được nuôi giữ ở 240 cơ sở.
Tái cấu trúc ngành chăn nuôi
Nhưng bệnh dịch không chỉ đe dọa các doanh nghiệp ở mức này. Hiện giờ họ còn lâm vào tình trạng khó khăn hơn nhiều: do dịch bao vây tứ phía nên họ không thể bán thịt lợn ra ngoài vùng dịch, mặc dù chính các trại này đang được đảm bảo an toàn. Ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (quy định hiện nay cấm chuyển lợn ra khỏi vùng dịch) cho biết công ty đang gặp phải khó khăn về tài chính do không thể xuất lợn, còn phương án cấp đông thịt mà một số nơi bắt đầu áp dụng lại… bất khả thi vì chi phí cấp đông quá cao và sau này cũng rất khó, thậm chí là không thể bán vì người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen mua thịt đông lạnh. Trước đây, công ty này đã từng đông lạnh thịt lợn và chịu lỗ vì không có mấy người mua. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch hội đồng quản trị Dabaco, một ông lớn trong ngành chăn nuôi, cũng cho rằng phải có vốn dồi dào ở mức nghìn tỉ, doanh nghiệp mới đủ sức cấp đông lượng thịt lớn.
Tuy nhiên, nếu gỡ những khó khăn khẩn cấp như vậy là chưa đủ, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn đang nơm nớp lo lắng không biết “còn cầm cự” với dịch đến bao giờ. “Bây giờ mình đang an toàn rồi nhưng không biết thế nào? [bởi vì mình] chỉ lo được nội bộ mình thôi, trong khi xung quanh dân vẫn tái đàn, không thể kiểm soát được”, ông Đỗ Hoàng Long, Công ty Japfa Comfeed nói. Ông đề nghị chính quyền phải kiểm soát được tình hình, chỉ cho phép những hộ đảm bảo an toàn sinh học mới được tái đàn và trong khi chưa có được điều này thì nhiều công ty đang suy nghĩ tới việc sẽ phải di chuyển các vùng chăn nuôi từ khu vực trung tâm có mật độ chăn nuôi dày đặc như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long tới các vùng sâu vùng xa hơn.
Nhưng ngay cả chuyển lên núi cũng không giải quyết triệt để được vấn đề, mà sâu xa hơn, “cần có nghiên cứu cơ chế chính sách, giải pháp, theo hướng tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng đảm bảo chặt chẽ các quy định về an toàn sinh học”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk kiến nghị. Trên thực tế, các nước đã từng “chiến đấu” chống dịch tả lợn châu Phi cũng từng phải đứng trước thử thách cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chẳng hạn kinh nghiệm của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phải kiện toàn lại ngành nông nghiệp, như thông tin mà tờ Sciencemag mới đưa hồi giữa tháng năm vừa qua. Nhưng tổ chức lại như thế nào để không loại trừ các hộ chăn nuôi cũng là một thách thức, mà cần tới việc nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình các hợp tác xã (như một số hợp tác xã vẫn đang trụ lại được trong bão dịch này cho thấy khả năng đảm bảo các nguyên tắc an toàn sinh học nếu các hộ chăn nuôi được liên kết, tổ chức tốt). Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, mà theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi phải mời các nhà khoa học, nhà quản lý, thảo luận để đề ra một chiến lược mới.
Doanh nghiệp vào cuộc cùng viện trường
Song song với các doanh nghiệp, phía các viện trường cũng đang dốc toàn lực đẩy nhanh các nghiên cứu hòng đánh giá toàn diện về dịch tả lợn châu Phi. Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ khi có dịch, trường đã triển khai hàng loạt nghiên cứu ở các khía cạnh: dịch tễ học bệnh lý và các phương pháp chẩn đoán, nghiên cứu môi trường, giải trình tự gene, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi. Giữa những nghiên cứu đó, công trình nghiên cứu vaccine vô hoạt của Học viện do PGS.TS Lê Văn Phan và cộng sự tiến hành đã có kết quả khả quan bước đầu.
PGS.TS Lê Văn Phan cho biết, loại vaccine này đã được kiểm tra các chỉ tiêu vô trùng, an toàn, hiệu lực trong phòng thí nghiệm. Qua đánh giá trong phòng thí nghiệm, sau 21 ngày theo dõi cho thấy lợn được tiêm phòng an toàn và có một số tín hiệu tốt về hiệu lực vaccine. Thử nghiệm vaccine ngoài thực địa (trên cả lợn nái, lợn thịt tại ba địa điểm ở Thái Bình) cũng cho thấy lợn được tiêm hoàn toàn khỏe mạnh sau hơn hai tháng theo dõi, mặc dù lợn của các hộ chăn nuôi xung quanh đó không được tiêm phòng vẫn mắc dịch.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Văn Phan cho biết, những kết quả ban đầu này chưa nói lên được điều gì bởi vẫn còn cần phải tiến hành nghiên cứu lặp lại ở nhiều đối tượng, trong thời gian dài, có thể lên tới vài năm, mới có được sản phẩm vaccine đưa ra thị trường. Có thể trong quá trình “thử và sai” này, các nhà nghiên cứu sẽ gặp nhiều rủi ro mà “nếu thành công thì rất vinh quang, nếu không thành công thì cũng có rất nhiều hệ lụy”, GS. TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Việc có những tín hiệu ban đầu trong nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi không phải là “may mắn ngẫu nhiên”. Ngay từ những ngày đầu, chính nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Phan và cộng sự ở Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu phát hiện ra dịch bệnh và sau đó có công bố quốc tế đầu tiên về chủng virus này ở Việt Nam. Phòng thí nghiệm này cũng là một trong những nơi tiên phong nghiên cứu dịch bệnh mới nổi và có nhiều kinh nghiệm hợp tác quốc tế với những đơn vị nghiên cứu mạnh, dày dặn trong nghiên cứu vaccine.
Để vượt qua được chặng đường mạo hiểm đó, cơ quan nghiên cứu cũng không thể độc hành mà cần sự hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp. Cho dù hiện nay nhà nước đã có quyết định thành lập hệ thống đề tài cấp quốc gia, cấp bộ về dịch tả lợn châu Phi và giao cho các nhà khoa học thực hiện, nhưng nếu sản phẩm chỉ dừng lại ở cánh cửa phòng thí nghiệm, thì sẽ có thể không bao giờ có được vaccine tới tận chuồng trại. Do đó, các trường cần nhận được sự hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để tiến hành các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, thái độ của các doanh nghiệp Việt Nam đều rất ngập ngừng trước khả năng hợp tác khi đều cho rằng nghiên cứu loại vaccine này khó thành công, vì đến nay chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được. Thậm chí, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Thái Dương bi quan cho rằng, có khi 10 năm tới vẫn còn chưa có vaccine.
Tình huống này cho thấy, việc liên kết tìm ra vaccine dịch tả châu Phi cần niềm tin của các bên. May mắn là điều đó đã xuất hiện từ các cơ quan quản lý nhà nước, “Bộ KH&CN khẳng định có tiền rồi, vấn đề là có đề cương lên hội đồng duyệt là triển khai thôi”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói. Tới đây, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội sẽ họp bàn để giải quyết những vấn đề đặt ra trong quản lý nghiên cứu, sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học để sớm tìm ra vaccine. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Cường đã mời gọi các công ty lớn “nhảy vào cuộc” để liên kết với các nhà khoa học cùng tiến hành các thử nghiệm ở quy mô lớn hơn. Ông cho biết tới đây sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để các công ty lớn có thể lắng nghe các nhà khoa học, thảo luận sâu hơn về các nghiên cứu này.
Trước dịch nghiêm trọng như tả lợn châu Phi và các dịch bệnh mới nổi khác, chỉ có tiến hành các nghiên cứu bài bản, tổng thể, với một chiến lược đầu tư nghiêm túc mới đưa ra được các giải pháp bền vững. Chẳng hạn, “nếu các nước khác nghiên cứu được vaccine rồi thì chúng ta cũng có thể nhập khẩu về, nhưng để biết có tác dụng hay không cũng cần nghiên cứu chủng virus để kiểm nghiệm và đánh giá để biết vaccine nào phát huy tác dụng, ngay cả việc nghiên cứu trình tự gene vẫn cần được tiếp tục để xác định xem có chủng virus nào khác xâm nhập vào Việt Nam hay không”, GS. TS Nguyễn Thị Lan nói.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý của bộ này tổng hợp bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để biên soạn thành tài liệu và nhanh chóng gửi đi các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, để các trại này học tập. Trong bối cảnh có thể chưa biết hết những con đường truyền lây của dịch bệnh này, thì việc học kinh nghiệm này cũng có thể giúp các trại khác “cố giữ được đến đâu tốt đến đó”. Mặt khác, ông cũng chỉ đạo nghiên cứu phương án để gỡ khó lệnh cấm chuyển lợn nếu như doanh nghiệp vận chuyển lợn được chứng nhận an toàn và chở bằng xe đặc chủng. |