Một số công nghệ chủ chốt của CN4.0 sẽ được nghiên cứu ứng dụng, phát triển, và chuyển giao trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm KC4.0 để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chương trình KC4.0 - tên gọi đầy đủ là Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 (Mã số: KC4.0/19-25) - cũng sẽ hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.

Tại buổi họp triển khai Chương trình vào ngày 1/3/2019, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Chương trình, cho biết về mục tiêu của KC4.0: “Chương trình này chúng tôi không đặt nặng về bài báo quốc tế và đào tạo, mà chúng tôi đặt trọng tâm là các giải pháp công nghệ được hình thành và thể hiện qua các giải pháp hữu ích và đơn sáng chế được đăng ký.”

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, chủ nhiệm chương trình, phát biểu tại buổi triển khai nội dung chương trình

Dự kiến, Chương trình sẽ mang lại ít nhất 30 giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ như: y tế, du lịch, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, thông tin - truyền thông, tài nguyên - môi trường, quốc phòng, an ninh…

Về mặt hỗ trợ đổi mới mô hình cho các doanh nghiệp, Chương trình dự kiến sẽ xây dựng ít nhất 10 mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh và giải pháp chuyển đổi số trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Ngoài ra, Chương trình cũng dự kiến hỗ trợ ưu đãi tín dụng cho ít nhất 50 doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0.

Nội dung đầy đủ của Chương trình bao gồm 43 công nghệ theo danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 (theo Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bao gồm các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Chuỗi khối (Blockchain), Phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), Thế hệ mạng di động thứ 5 (5th Generation), robot, điện toán đám mây (I-cloud), v.v...). Tuy nhiên Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, hạt nhân của chương trình sẽ là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dựa trên cơ sở dữ liệu Hệ tri thức Việt số hóa.