Mặc dù đã có Luật và cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng thực tế, hoạt động khai thác SHTT ở nước ta chưa được hiệu quả, thể hiện ở số lượng đơn đăng ký còn ít; hiệu quả khai thác văn bằng bảo hộ, sử dụng nhãn hiệu chưa cao, ít nhãn hiệu, thương hiệu có giá trị lớn trên thế giới.

Đó là chia sẻ của ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học SHTT - tại Hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ (TSTT)” do Viện Khoa học SHTT phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 15/2 tại TPHCM.

Theo ông Minh, có tình trạng này là do nhận thức của doanh nghiệp về SHTT chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa hoặc không có những kiến thức, chuyên gia hỗ trợ giúp họ tạo dựng, quản trị, khai thác, sử dụng và phát triển các văn bằng đã được bảo hộ.

“Nếu hoạt động này không được thực hiện thì không những làm lãng phí tài nguyên chất xám của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến xã hội vì ngăn cản sự khai thác, sử dụng các đối tượng đó của người khác” - ông Minh nhấn mạnh và cho biết, trong thời gian tới Viện Khoa học SHTT sẽ tăng cường nhận thức của doanh nghiệp, không chỉ về xác lập quyền mà cả sau việc xác lập quyền, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản trị khai thác sử dụng và phát triển các văn bằng được bảo hộ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cắt băng khai trương Văn phòng đại diện  Viện Khoa học SHTT tại TPHCM
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cắt băng khai trương Văn phòng đại diện Viện Khoa học SHTT tại TPHCM

Cụ thể như Dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT ở trong và ngoài nước” do Viện Khoa học SHTT chủ trì được thực hiện từ tháng 9/2018 – 8/2020. Theo đó, các cán bộ quản lý, tư vấn, pháp lý, kỹ thuật, kinh doanh thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN sẽ được đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT. Đồng thời, dự án còn hỗ trợ tư vấn về tạo dựng, xác lập, bảo về quyền SHTT, thương mại, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ,… cho các tổ chức có quan tâm.

Tại Hội thảo, bà Ayana Shibasaki - chuyên gia tư vấn của Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin Nhật Bản (INPIT) - cho biết, tại Nhật Bản có 59 điểm tại các địa phương với 230 chuyên viên tư vấn về SHTT. Tại các điểm này, doanh nghiệp có thể đến nhận tư vấn hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lần từ việc hình thành ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm,… Tất cả các thông tin của doanh nghiệp đều được giữ bí mật; và nếu doanh nghiệp không đến trực tiếp các điểm tư vấn, có thể hẹn lịch để chuyên viên tư vấn đến tận nơi giúp đỡ.

“Đối với những vấn đề chuyên môn sâu mà các chuyên viên tư vấn của INPIT không giải đáp được thì sẽ được chuyển đến các chuyên gia từng lĩnh vực tư vấn cho doanh nghiệp” – bà Ayana Shibasaki nói và cho biết, để làm được điều này, INPIT đã xây dựng một mạng lưới các chuyên gia chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học.

Bà
Ayana Shibasaki chia sẻ kinh nghiệm hoạt động SHTT tại Nhật Bản

Cùng ngày, Văn phòng đại diện Viện Khoa học SHTT tại TPHCM đã được khai trương. Đây là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp, định giá, tổ chức đào tạo và quản trị TSTT. Đồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về SHTT và các dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố và khu vực phía Nam.

Trong Lễ khai trương, Viện Khoa học SHTT và Sở KH&CN TPHCM đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về SHTT. Theo đó, Viện Khoa học SHTT và Sở KH&CN TPHCM sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về SHTT, nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị TSTT của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, hai đơn vị này cũng đề xuất kế hoạch hợp tác cụ thể với một số cơ quan khác như Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan TPHCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Quản trị TSTT Minh Đức,... để triển khai Thỏa thuận hợp tác nêu trên từ năm 2019.