27 nhiệm vụ được tuyển chọn của Chương trình KC.01/16-20 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2016 – 2020 đã đáp ứng được 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến của Chương trình.
Thông tin trên được PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình cho biết tại Hội thảo “Sơ kết Chương trình KC.01/16 - 20 giai đoạn 2016 – 2020 và, định hướng giai đoạn 2021 – 2025” do Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/16 - 20 phối hợp với Vụ Công nghệ cao Bộ KH&CN tổ chức ngày 10/12 tại TPHCM.
Kết quả nghiên cứu phục vụ thực tiễn
Chương trình KC.01/16 -20 được phê duyệt năm 2016, đến nay đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt 33 nhiệm vụ. Trong đó, có 27 nhiệm vụ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, phân bổ kinh phí, giao cho cá nhân và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ, 6 nhiệm vụ không tuyển chọn được đơn vị chủ trì.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, một số nhiệm vụ thuộc Chương trình đã làm chủ được công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT, nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ còn tạo được các công nghệ có tính ứng dụng và hiệu quả cao. Các nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN có tiềm năng. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ về phần cứng do các nhóm tự thiết kế, chế tạo đã góp phần đảm bảo an toàn thông tin, tự chủ trong phát triển sản phẩm và hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Một số nhiệm vụ điển hình như KC.01.01/16-20 “Nghiên cứu, phát triển tích hợp hệ thống giám sát, quản lý, vận hành an toàn cho hệ thống mạng và hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến” đã chế tạo xong hệ thống và đang được chạy thử nghiệm tại Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống được đánh giá chạy ổn định, thu được những kết quả khả quan.
Nhiệm vụ KC.01.02/16-20 “Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thông minh và Chính phủ điện tử”. Nhóm đã thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh hệ thống cửa tự động thu phí bằng thẻ NFC khi vào tham quan các điểm du lịch. Đây là giải pháp ví điện tử dùng thẻ nạp NFC nạp tiền và quẹt thẻ vào đầu đọc được gắn trên cửa tự động thanh toán vé vào cửa. Ngoài ra, nhóm cũng thiết kế hệ thống kiosk thông tin quảng bá du lịch, để du khách có thể tìm kiếm các điểm du lịch nổi tiếng, nhà hàng, khách sạn,… Các hệ thống đang được nhóm lắp đặt thử nghiệm tại một số địa điểm du lịch của Đà Nẵng.
Nhiệm vụ KC.01.04 thì đã xây dựng xong hệ thống CNTT thí điểm giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nắm bắt được dữ liệu về một số chỉ số hiệu năng thực hiện của đô thị thông minh, đề xuất được bộ KPI sự phát triển của đô thị thông minh phù hợp với Việt Nam;…. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì hiện đang là sản phẩm mẫu và hứa hẹn tiềm năng phát triển thành các sản phẩm chủ đạo của doanh nghiệp trong tương lai. Cụ thể như 2 sản phẩm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông là máy tính an toàn và hệ thống camera an toàn.
Song song với việc thực hiện nghiên cứu, mỗi một nhiệm vụ thuộc Chương trình đều đảm bảo đào tạo được 2 thạc sĩ, tham gia đào tạo 1 tiến sĩ, có ít nhất 2 bài báo được trình bày tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
Cần xây dựng bộ tiêu chí về đô thị thông minh
PGS Thắng cho biết, năm 2020, Chương trình đi vào giai đoạn cuối nghiệm thu, đánh giá và tổng kết. Trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025, Chương trình định hướng cần triển khai một số nội dung như Nghiên cứu xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử, giải pháp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia, đảm bảo an toàn an ninh, lưu trữ thông tin; Nghiên cứu làm chủ công nghệ và chế tạo thiết bị phần cứng chuyên dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện, trong đó đảm bảo các hướng công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Blockchain,…; Nghiên cứu xây dựng một số chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước;...
Theo PGS. TS Lê Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, hiện Việt Nam chưa có tiêu chí rõ ràng về đô thị thông minh, chưa có được mô hình cụ thể dựa trên nền tảng công nghệ. Vì vậy, mỗi một thành phố có một cách tiếp cận khác nhau nên làm lãng phí nguồn lực. “Việt Nam có ít nhất 60% nền tảng công nghệ có thể dùng chung, nên cần hợp nhất các nhà khoa học trên cả nước cùng với Bộ KH&CN xây dựng mô hình cụ thể” – ông Phương nêu ý kiến.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam thì cho rằng, nên đưa bộ tiêu chí vào Chương trình để phục vụ Chính phủ điện tử. Chương trình có nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chí và cần sự kết hợp của ba bộ: Xây dựng, Thông tin truyền thông và KH&CN để việc xây dựng bộ tiêu chí được chuẩn xác.
Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Phó Chủ nhiệm Chương trình, cho biết, các nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình giai đoạn 2016 – 2020 có cả ba miền. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở miền Trung (4/27) và Nam (1/27) còn ít, chưa tương xứng. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo Ban chủ nhiệm Chương trình cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn cụ thể hơn cho các đơn vị khu vực phía Nam trong việc đề xuất các nhiệm vụ.
“Chương trình cũng dự kiến đổi tên thành 'Nghiên cứu công nghệ, phát triển sản phẩm CNTT phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và đô thị thông minh',” – ông Chiến nói.