Tại hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương diễn ra vào ngày 23/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào những vấn đề thiết thực cho hệ thống từ trung ương đến ngành, địa phương cần thực hiện tốt.
Đó là kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành; cơ sở dữ liệu quốc gia; cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.... Thủ tướng khẳng định vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trong xây dựng Chính phủ điện tử: an toàn cần đặt lên hàng đầu, “nếu không an toàn thì chưa làm”.
Công việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đang được gấp rút tiến hành và đã đạt được một số kết quả như vận hành được một số hệ thống là Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia...; nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, dự kiến sẽ thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức vào tháng 11/2019.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT, một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, cần phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.
Sắp tới, các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt.
Đức Tuân/VGP