Trong giai đoạn hiện nay, chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM không còn phù hợp, mà cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

Sản xuất công nghiệp: Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tại Hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển” do UBND TPHCM tổ chức ngày 6/12, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, trong thời gian qua, giá trị gia tăng công nghiệp của thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước. Cụ thể, giá trị tăng thêm chiếm 28,62% cơ cấu cả nước, số lượng doanh nghiệp 30,11%, lao động 16,76%, vốn 14,93%, doanh thu 14,41% cả nước.

Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM đã có sự phát triển tích cực. Tỷ trọng đóng góp giá trị sản xuất của 4 ngành này tăng từ 54,11% năm 2013 lên 67,74% năm 2017 trong toàn ngành công nghiệp. Trong đó ngành cơ khí chiếm 19,41%; ngành hóa dược – cao su – nhựa chiếm 15,75%; ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 17,67%; ngành điện tử chiếm 14,91%. Tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của 4 ngành tăng từ 54,52 năm 2013 lên 65,43% năm 2017 trong toàn ngành công nghiệp.

Lãnh đạo TPHCM tham quan các gian hàng triển lãm tại Hội thảo   Ảnh: HCM
Lãnh đạo TPHCM tham quan các gian hàng triển lãm tại Hội thảo Ảnh: HCM.CPV

Tuy nhiên, theo ông Đông, sản xuất công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng của TPHCM phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa cao. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Xu hướng đầu tư ra các tỉnh của các doanh nghiệp ngày càng tăng, do quỹ đất thành phố dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, ngành công nghiệp TPHCM vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng, giá thuê đất. Thu hút đầu tư của Thàng phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố; nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay;…

Cần nâng cấp trình độ sản xuất

Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, công nghiệp Việt Nam mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện nhất định về đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng đến nay chủ yếu vẫn là thực hiện các khâu lắp ráp, gia công. Đây là một quá trình sắp xếp lại các nguồn lực và quá trình tái cơ cấu chuỗi ngành nghề trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam. “Vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn nếu Việt Nam không sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa” – PGS Quốc nhấn mạnh và kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về việc phát triển các ngành cơ khí trọng điểm để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cơ khí-điện-điện tử theo Luật Đầu tư 2014.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo     Ảnh: KA
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: KA

PGS.TS Lê Hoài Quốc cũng kiến nghị với với TPHCM và Bộ KH&CN cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập doanh nghiệp công nghệ cao và thực hiện chính sách hậu kiểm nhằm động viên nguồn lực còn rất lớn trong doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao đang định hình cho cuộc CMCN lần thứ 4, như công nghệ số (vi mạch, bán dẫn; Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán; IoT); cải tạo thế giới vật chất (AI và robot; vật liệu tiên tiến; công nghệ sản xuất đắp dần và in ấn đa chiều; thiết bị bay không người lái); Khoa học sự sống và thay đổi con người (công nghệ sinh học, thần kinh, thực tế ảo và thực tế tăng cường); môi trường (lưu trữ và chuyển đổi năng lượng; can thiệp khí hậu; công nghệ không gian). Ngoài ra, TPHCM cần nghiên cứu và ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đỗi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thì cho rằng, trong một thời gian dài TPHCM chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu nói trên, phù hợp với kinh tế Thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương khác trong mối liên kết vùng, việc xác định 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp đối với Thành phố. “Định hướng phát triển công nghiệp TPHCM trong thời gian tới cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế Vùng” – PGS Ngân nói.

D
Cần đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp để phát triển công nghiệp trong thời kỳ hiện nay Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Phương Đông cũng cho rằng, Thành phố cũng cần tập trung cơ cấu lại công nghiệp gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội CMCN4.0. Ông đề xuất 8 ngành công nghiệp thành phố cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: cơ khí; thiết bị điện; thực phẩm; đồ uống; điện tử - công nghệ thông tin; cao su và plastic; hóa dược; công nghiệp môi trường và năng lượng sạch, tái tạo. Riêng trong ngành cơ khi, cần tập trung vào các sản phẩm robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa... để nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, cần nâng cao tỷ trọng và ưu tiên quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thì nhấn mạnh, việc lựa chọn đúng ngành là giải pháp chiến lược. Do đó, Thành phố cần xác định các tiêu chí một cách chặt chẽ, khoa học, chú ý đến các vấn đề như: lợi thế của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; ngành có khả năng tham gia vào sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng;…

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, THCM sẽ tập trung triển khai, sớm hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp thành phố; xây dựng khu công nghiệp mới với hơn 360ha để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp có thể phát triển như: robot, tự động hóa, năng lượng thông minh, phần mềm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ,… trong khu đô thị sáng tạo.