Ngày 12/6, Hội thảo “Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực Đồng bằng Sông Cửu Long” đã diễn ra tại Long An dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định.

Hội thảo do Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Long An tổ chức.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, để phát triển, ĐBSCL cần nhìn nhận lại mối liên kết giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tạo lập, phát triển các sản phẩm chủ lực; từ đó, tạo ra chuỗi giá trị, mô hình phát triển hiệu quả, bền vững phù hợp với đặc thù của vùng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cho biết, hiện chủ trương liên kết giữa các bên còn chung chung và chưa có sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó, bản thân năng lực tìm kiếm lựa chọn công nghệ phù hợp và sử dụng kết quả nghiên cứu của các doanh nghiệp chưa cao. “Vì vậy cần có sự hiện diện của tổ chức trung gian đứng ra thực hiện các dịch vụ KH&CN để kết nối giữa các tổ chức tài chính, các tổ chức đơn vị nghiên cứu hoặc sở hữu công nghệ cần chuyển giao với các doanh nghiệp” – ông Đà chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định. Ảnh: KA

Ông Đà đề xuất, khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liêu kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực ĐBSCL, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng; cùng các tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ KH&CN, khách hàng, thị trường. Tất cả các đầu mối này sẽ tương tác với nhau, từ bước đầu tiên của chuỗi giá trị nông sản cho đến khi đến tay người tiêu dùng, và sẽ hỗ trợ giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh.

Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: KA

Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN (chủ thể đầu mối trong mô hình) tại các khu vực hoặc vùng liên kết chọn ra các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực, địa phương để xây dựng chuỗi giá trị của sản phẩm, ngành hàng. Dựa vào đó, các doanh nghiệp xác định sự tham gia và nhu cầu hỗ trợ công nghệ của mình. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước huy động các trường, viện nghiên cứu thiết kế công nghệ rồi chuyển giao cho doanh nghiệp thi công, sản xuất; khuyến khích và tạo các điều kiện để các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến từ nước ngoài phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước. Các đơn vị cung ứng dịch vụ KH&CN (công lập và ngoài công lập) là khâu trung gian kết nối các tổ chức KH&CN trong vùng với các doanh nghiệp cùng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, xây dựng thương hiệu, mô hình sản xuất đặc trưng của địa phương,…

Cục Công tác phía Nam và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ ký kết hợp tác
Cục Công tác phía Nam và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ ký kết hợp tác. Ảnh: KA

Trong khuôn khổ Hội thảo, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ đã ký hợp tác về hỗ trợ kết nối các hoạt động nghiên cứu cải tiến, đổi mới cơ khí nông nghiệp của doanh nghiệp với cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Đây là mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển sản phẩm chủ lực (cơ khí) của ĐBSCL để làm thí điểm và nhân rộng.

Cụ thể, Cục Công tác phía Nam hỗ trợ Viện Bùi Văn Ngọ tư vấn, cập nhật chủ trương chính sách, chương trình quốc gia về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; kết nối với các tổ chức KH&CN trong, ngoài nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tìm kiếm danh mục công nghệ sẵn sàng chuyển giao từ các tổ chức KH&CN, cũng như xúc tiến chuyển giao các công nghệ thiết bị đã hoàn thiện của Viện Bùi Văn Ngọ vào thị trường;... Được biết, trong thời gian tới, Cục sẽ hợp tác với Công ty TNHH Sinh học Phương Nam theo mô hình liên kết nói trên.

Chứng kiến lễ ký, Thứ trưởng Lê Xuân Định bày tỏ kỳ vọng mô hình hợp tác thí điểm giữa giữa Cục Công tác phía Nam và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ sẽ mở đường cho các mô hình khác.