Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí của ĐH Phenikaa không giới hạn số học bổng cấp cho sinh viên để thực hiện cam kết “trao cho các em học giỏi một cơ hội”.
ĐH Phenikaa nằm trên khuôn viên rộng 12 ha. Ảnh: PU TS Đoàn Anh Vũ, Trưởng phòng tuyển sinh, cho biết, Quỹ 50 tỷ đồng này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm nay, trước mắt vận hành hoàn toàn bằng nguồn tài trợ từ Tập đoàn Phenikaa. Quỹ sẽ cấp 3 loại học bổng, bao gồm Học bổng Tài năng – miễn học phí toàn khóa học (trị giá 80-160 triệu đồng); Học bổng Xuất sắc – miễn học phí 2 năm đầu (trị giá 40-80 triệu đồng); và học bổng Chắp cánh tương lai – miễn học phí năm đầu (trị giá 20 – 40 triệu đồng). Theo đó, tất cả các học sinh có thành tích học tập xuất sắc như là thành viên đội tuyển thi Olympic quốc tế hoặc châu Á, đoạt giải thi học sinh giỏi quốc gia hoặc thi khoa học kỹ thuật quốc tế, có kết quả thi tốt nghiệp THPT của tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 24 điểm trở lên, học sinh nghèo có thành tích học tập khá hoặc giỏi… đều có cơ hội nhận một trong 3 loại học bổng nói trên, kèm theo một laptop trị giá 10 triệu đồng và miễn phí ở ký túc xá trong năm đầu hoặc toàn khóa học.
Bên cạnh đó, 100% sinh viên vào trường được hỗ trợ 20% học phí cả khóa, còn từ 20 – 32 triệu đồng/năm. Mức học phí này, theo ông Vũ, chỉ tương đương mức của các trường công lập và được cam kết không tăng trong suốt khóa học. Sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt cũng có cơ hội nhận học bổng theo học kỳ.
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí của
ĐH Phenikaa không hạn chế số học bổng cấp cho sinh viên, như Hiệu trưởng - GS.TS Phạm Thành Huy khẳng định, bởi vì “khi các em học giỏi, chúng ta phải trao cho các em một cơ hội.” Ông Huy cũng cho biết, năm ngoái, khoảng ¼ số sinh viên của trường được nhận học bổng với các mức tương đương năm nay.
Áp lực tuyển sinh chất lượng
Năm nay, ĐH Phenikaa có chỉ tiêu tuyển sinh 1.670 sinh viên cho 18 ngành thuộc 4 nhóm: Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Kinh tế; Sức khỏe; và Ngôn ngữ.
Năm ngoái, trong lần đầu tuyển sinh, trường đại học thuộc Tập đoàn Phenikaa chỉ tuyển được 400 sinh viên (trên chỉ tiêu tương tự năm nay), “do tên tuổi lúc đó còn quá mới mẻ”, theo ông Đoàn Anh Vũ. “Nếu chỉ tuyển để cho đủ số lượng thì không có gì áp lực, nhưng để tuyển đầu vào có chất lượng đáp ứng được chiến lược phát triển của trường thì thật sự áp lực,” ông Vũ nói với Khoa học và Phát triển.
Chiến lược đó, theo ông Phạm Thành Huy, là xây dựng ĐH Phenikaa thành một trường đa ngành, xuất sắc theo chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng nghiệp; và trong vòng 20 năm nữa, sẽ vào Top 100 trường đại học xuất sắc nhất châu Á.
Để làm được như vậy, trong giai đoạn 2018-2020, Tập đoàn Phenikaa đã đầu tư 1.600 tỷ đồng cho việc xây dựng các tòa nhà giảng đường, ký túc xá, hội trường… trên diện tích 11ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã đầu tư 500 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị giảng dạy, thực hành, thí nghiệm, và nghiên cứu. Với gần 100 phòng thực hành/phòng thí nghiệm, trường mang đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm theo nhiều cách: Trải nghiệm bằng việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong môi trường làm việc, nghiên cứu; trải nghiệm với sự chia sẻ và hướng dẫn của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên môn; trải nghiệm để lý giải tận gốc rễ các phương pháp - giải pháp được ứng dụng trong thực tế từ các kiến thức đã được học.
Ông Phạm Thành Huy cho biết, sau 3 năm phát triển, ĐH Phenikaa đã kịp hình thành đội ngũ giảng viên cơ hữu hơn 200 người, 65% trong số đó là tiến sĩ và đa số được đào tạo ở nước ngoài. Số công bố quốc tế của các giảng viên trong trường tăng nhanh từ 7 lên 22 và 159 qua 3 năm 2017, 2018, và 2019. Theo Nature Index mới nhất, trường đang đứng đầu top 5 các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam về chất lượng công bố khoa học. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên của trường đạt 1/8,5, “bảo đảm giảng viên có thể quan tâm đến từng cá nhân sinh viên”. Để so sánh, các trường top đầu thế giới có tỷ lệ giảng viên/sinh viên là 1/5 đến 10; trong khi ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tỷ lệ này là 1/20, nhưng nhiều trường bị vượt quá tỷ lệ quy định - ông Huy nói với Khoa học và Phát triển.
Năm học 2020-2021, ĐH Phenikaa tuyển sinh theo 3 phương thức, tuyển thẳng với những em có thành tích tham gia đội tuyển, học sinh trường chuyên hoặc có thành tích học tập xuất sắc (10% tổng chỉ tiêu dự kiến); xét tuyển theo kết quả thi THPT (50%); và xét tuyển theo học bạ THPT (40%). Được biết, năm ngoái điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT của trường là 21,6 điểm. Mặc dù nhận thấy công việc tuyển sinh hết sức áp lực, nhưng ông Đỗ Anh Vũ đồng thời lạc quan về khả năng tuyển sinh của trường cho năm học tới, do “đến nay, những phụ huynh nào đã đưa con đến trường tham quan thì đều không bỏ đi tìm trường khác nữa”, như ông chia sẻ với Khoa học và Phát triển.
Một số hình ảnh về các phòng thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu tại ĐH Phenikaa:
Nguyễn Duy Anh, sinh viên năm 3 Khoa Dược, trong giờ thực hành bào chế tinh dầu long não tại Phòng thí nghiệm Bào chế thuộc Trung tâm Thực hành và Nghiên cứu dược. Ảnh: TT
Các sinh viên năm 3 Khoa Dược trong giờ thực hành bào chế tại Phòng thí nghiệm Bào chế thuộc Trung tâm Thực hành và Nghiên cứu
dược. Riêng Trung tâm này đã có 15 phòng thí nghiệm và thực hành, bảo đảm nội dung thực hành chiếm 30% thời lượng khóa học - đại diện của Trung tâm cho biết. Ảnh: TTCô Nguyễn Thị Huyền hướng dẫn các sinh viên năm 2 Khoa Dược thực hành kiểm nghiệm phân tích hóa. Ảnh: TT Sinh viên năm 2 Khoa Dược, trong giờ thực hành soi vi phẫu cấu tạo lá trúc đào tại Phòng thực hành thực vật. Ảnh TTTS Đặng Viết Quang - giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường giới thiệu dây chuyền sản xuất mỹ phẩm tại Phòng thực hành Kỹ thuật hóa học. Ảnh: TT
TS Lê Minh Huy - giảng viên Khoa Điện - Điện tử giới thiệu robot cộng tác (tức loại robot dừng hoạt động khi có va chạm với người), có thể thực hiện các thao tác lắp ráp, vận chuyển tại Phòng thí nghiệm AI và Robot, nơi sinh viên có thể đến thực hành theo từng tốp 5 người. Ảnh: TT