Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL

Trong Chỉ thị số 23/CT-TTg, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ của Bộ KH&CN là đầu tư, tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu và triển khai tại ĐBSCL để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất hiện đại, có hàm lượng KH&CN cao, quy mô lớn và phát triển bền vững.

Chỉ thị số 23/CT-TTg cũng yêu cầu các bộ, ngành, trung ương và địa phương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL, đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương hoàn thành các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản đang triển khai tại ĐBSCL (mạng lưới độ cao quốc gia; điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngầm...), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu ĐBSCL; Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL...; Các hiệp hội, ngành nghề tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong vùng, đầu tư vào các dự án sản xuất hiện đại, có hàm lượng KHCN cao, quy mô lớn, có khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ kH&CN đã triển khai nhiều chương trình và dự án, đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu dành riêng cho khu vực ĐBSCL, ví dụ dự án FISRT (Bộ KH&CN) “Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa ĐBSCL” với tổng kinh phí 66 tỷ VNĐ, tương đương hơn 3 triệu USD; hợp tác với Hội đồng nghiên cứu Anh quốc tài trợ cho nghiên cứu về tài nguyên nước, rừng ngập mặn nhiệt đới, tác động của tai biến thiên nhiên về khí tượng thủy văn (lũ lụt, hạn hán,…), trong đó có nhiều đề tài thực hiện tại ĐBSCL.