Theo kết quả nghiên cứu từ đề tài “Quy trình giám sát môi trường cảng thủy nội địa cho khu vực phía Nam” do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện, hoạt động tại các bến cảng thủy nội địa đang có những tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ để xử lý, giám sát ô nhiễm môi trường tại đây chưa được chú trọng.

Báo động các loại ô nhiễm

Hiện nay, trên cả nước có gần 300 cảng thủy nội địa được chia làm 3 loại: Cảng đầu mối, khu vực do Trung ương và địa phương quản lý; Cảng, bến chuyên dùng do các nhà máy, xí nghiệp quản lý; Cảng, bến tự do do các xã, huyện, hợp tác xã, tư nhân quản lý.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cảng thủy nội địa chủ yếu như bụi xi măng, thạch cao, clinker, than cám, vật liệu xây dựng,.. trong quá trình bốc xếp; dầu mỡ rơi vãi trên bề mặt sân bãi, trong các hố ga, trên tuyến cống rãnh thoát nước mặt; chất thải rắn (trong đó có chất thải nguy hại) chưa được quản lý, xử lý triệt để.

Ngoài ra, việc ô nhiễm mùi từ những mặt hàng gây phát tán mùi khó chịu như lưu huỳnh, xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc, ảnh hưởng đến sức khỏe cho những người làm việc và sống xung quanh khu vực. Tiếng ồn trong khu vực cảng có mức cường độ âm khá lớn gây ra do tàu thuyền hoạt động, sửa chữa tại cảng, máy xúc, cẩu, băng chuyền chuyển tải hàng hoá, …

Công nhân làm việc tại cảng than nhưng không có bảo hộ lao động
Công nhân làm việc tại cảng than nhưng không có bảo hộ lao động

Ông Nguyễn Đình Luyện, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, hiện nay công tác quản lý môi trường tại một số các cảng thủy nội địa khu vực phía Nam vẫn mang tính chất thủ tục, đối phó với các cơ quan chức năng kiểm tra, chứ chưa thật sự chấp hành nghiêm chỉnh và đề cao ý thức tự giác, trách nhiệm. Trong đó một số các cảng thủy tại đây đều chưa thực hiện lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

Đối với chất thải rắn nguy hại tuy đã có nhiều đơn vị bố trí thùng chứa, nhà kho chất thải nguy hại, có dán nhãn phân loại, nhưng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu và số lượng cảng thực hiện theo đúng quy định còn rất ít. Nước mưa chảy tràn, nước thải sinh hoạt sau khi qua bể phốt tự hoại sẽ xả ra ngoài môi trường theo hình thức tự chảy, tự ngấm mà không qua hệ thống thu gom, xử lý.

Giám sát môi trường: Chưa được đầu tư công nghệ

Theo ông Luyện, hiện nay, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để xử lý ô nhiễm môi trường tại các cảng, bến thủy chưa nhiều. Chỉ một số cảng xi măng, than, xăng dầu lớn được đầu tư trang thiết bị như hệ thống lọc bụi, phun sương, chuyển tải hàng hóa xuống tàu theo công nghệ băng truyền, phễu chụp để nhằm hạn chế bụi.

Giám sát môi trường trong lĩnh vực đường thủy nội địa, hiện chưa có một trung tâm hay phòng chuyên môn nào được đầu tư công nghệ, kỹ thuật thực hiện chức năng này. Giám sát mới chỉ thực hiện dừng lại ở việc đi thanh tra, kiểm tra hiện trạng hoạt động thực tế tại các cơ sở và theo dõi, giám sát thông qua việc kiểm tra về mặt hồ sơ, giấy tờ do các cơ sở cung cấp. “Đây chính là bất cập lớn trong công tác giám sát môi trường đối với các hoạt động đường thủy nội địa”- ông Luyện nói.

Một số các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa đều không đầu tư công nghệ, kỹ thuật giám sát môi trường. "Chủ yếu là lấy mẫu định kỳ đem về phân tích tại phòng thí nghiệm, đo nhanh tại hiện trường một số chỉ tiêu cơ bản, chứ chưa có cảng thủy nội địa nào đầu tư lắp đặt thiết bị công nghệ quan trắc phát thải, giám sát ô nhiễm tự động, liên tục” – ông Luyện cho biết.

Ngoài ra, kết quả báo cáo giám sát môi trường định kỳ do chủ cảng thuê thực hiện chỉ mang tính thủ tục, kết quả đo đạc phân tích mang tính chủ quan và là sản phẩm để đối phó việc chấp hành tuân thủ theo quy định. Rất ít chủ cảng thủy nội địa sử dụng nguồn số liệu quan trắc khách quan để cải tiến công nghệ hay thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu mức phát thải ra môi trường.

n
Hệ thống phễu chụp chuyển hàng xuống tàu ngăn bụi chỉ được số ít cảng đầu tư

Đề xuất quy trình

Đề tài nghiên cứu cũng đưa ra quy trình giám sát môi trường riêng cho cảng thủy nội địa. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm các đối tượng có liên quan như nhà quản lý, chủ cảng và các đối tượng tham gia các hoạt động tại cảng; đưa ra các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề về quản lý chất thải, giám sát ô nhiễm, giám sát sự cố rủi ro môi trường...

Quy trình này là cơ sở để các nhà quản lý kiểm soát được các nguồn tác động, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp cho chủ cảng đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, phát hiện các vấn đề môi trường mới và xác định được mức độ sai phạm về môi trường trong quá trình hoạt động.

“Ngoài việc đầu tư công nghệ, thiết bị kỹ thuật, cần ban hành Sổ tay hướng dẫn Quy trình giám sát ô nhiễm môi trường mới ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các dòng sông, đẩy lùi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới” – ông Luyện nói.