Đó là chia sẻ của PGS-TS Hoàng Xuân Cơ - Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị. Nói đến ô nhiễm môi trường, nhiều người chỉ nghĩ đến không khí, nước, đất… mà không biết rằng, tiếng ồn cũng là một loại ô nhiễm.
Độ ồn ở TPHCM, Hà Nội đều vượt chuẩn
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT, giới hạn tiếng ồn ở các khu vực đặc biệt (bệnh viện, nhà trẻ, trường học...) trong khung giờ 6-21h là 55dBA, khung giờ 21-6h là 45dBA; ở khu vực thông thường (nhà dân, khách sạn, cơ quan hành chính) lần lượt là 70dBA và 55dBA. Để dễ hình dung, Hội đồng Chất lượng môi trường Mỹ so sánh tiếng ồn 50dBA với âm thanh máy giặt đang chạy, còn 70dBA tương đương tiếng động cơ ôtô. Cũng theo hội đồng này, âm thanh không hại sức khoẻ chỉ có cường độ tối đa 40dBA.
Phần lớn người dân Hà Nội, TPHCM mỗi ngày phải trải qua một vài giờ trên đường đi học, đi làm, đi chơi, bị bao vây bởi tiếng động cơ của hàng nghìn xe cộ. Ở khu dân cư, nhiều người bị làm phiền bởi âm thanh từ các quán karaoke, loa công cộng. Đến trung tâm thương mại, giải trí, thính giác của họ lại bị hành hạ bởi tiếng máy chơi game, tiếng nhạc hoặc loa thông báo.
Trong công văn trả lời Báo Khoa học và Phát triển, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: “Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện chương trình quan trắc ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông tại một số nút giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, tập trung tại các quận nội thành. Tại hầu hết các vị trí quan trắc, độ ồn đều vượt quy chuẩn”.
Kết quả quan trắc tiếng ồn do Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện năm 2015 trên 3 tuyến đường lớn (mỗi điểm đo 4 đợt, lấy số trung bình) cho thấy: Tại phố Trần Hưng Đạo, mức ồn tối thiểu là 74dBA, tối đa 94dBA. Trên đường Giải Phóng, mức ồn tối thiểu là 75dBA, tối đa 95dBA. Ở đường Nguyễn Văn Linh, 2 chỉ số trên lần lượt là 79dBA và 107dBA.
Tại TPHCM, báo cáo hiện trạng chất lượng môi trường tháng 4/2016 công bố trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, 97,08% số liệu mức ồn quan trắc được tại 12 vị trí giao thông vượt QCVN 26:2010/BTNMT. Năm 2015, 90,27% số liệu mức ồn quan trắc được tại 10 vị trí giao thông vượt chuẩn.
PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn - nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho hay: “Ở các khu vực công cộng, con số đo được có thời điểm lên tới 85-90dBA, vượt quy chuẩn ít nhất 15dBA. Vào ban đêm, quy chuẩn thấp hơn tới 25dBA nhưng độ ồn tại các trục đường giao thông chỉ kém ban ngày 2-3dBA, vượt chuẩn rất xa”.
Sát thủ thầm lặng
Chị Nguyễn Thị Tuất (ở thôn Khánh Hội, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có con trai 14 tuổi gần đây nghe kém, lúc nghe được, lúc không. Gia đình đưa cháu đi khám và được kết luận hỏng một bên thính giác. Nhà chị Tuất có xưởng hàn xì gần phòng của cháu. “Ngoài tiếng máy hàn xì, cắt sắt, công nhân cũng hay mở nhạc to để át đi âm thanh máy móc” - chị Tuất nói. Các bác sỹ cho rằng tiếng ồn từ xưởng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trạng của cháu.
PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương - khẳng định, tiếng ồn lớn là một nguyên nhân giảm thính lực, thậm chí điếc. Bà từng gặp những người trẻ nghe nhạc với cường độ âm thanh lớn cả đêm, tỉnh dậy đã bị điếc một tai.
Theo TS Dinh, tiếng ồn cũng là thủ phạm gây các bệnh tim mạch, dạ dày. Còn PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn cho biết đã nhiều lần cảm nhận rõ tim đập nhanh và mạnh khi tiếp xúc với âm thanh lớn nơi công cộng.
Tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. TS tâm thần học Lã Thị Bưởi - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục PPRAC - cho biết, một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của công nhân gang thép Thái Nguyên do bà và cộng sự thực hiện cho thấy 30,7% số công nhân bị ảnh hưởng tâm lý bởi môi trường vi khí hậu, bao gồm tiếng ồn, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ. Các biểu hiện phổ biến là lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, suy nhược…
Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga - cũng thuộc Trung tâm PPRAC - cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếng ồn lớn và kéo dài ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây sợ hãi, giận dữ vô cớ… Với người già và trẻ em, mức độ ảnh hưởng càng nặng nề hơn.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu ở người già, tiếng ồn là một trong những yếu tố làm khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn. Tác động cũng tương tự đối với trẻ tăng động, giảm chú ý, rối loạn cảm xúc” - bà Nga nói.