Đầu tư vào công ty khởi nghiệp vốn có nhiều rủi ro vì vậy thị trường cần có bộ dữ liệu minh bạch về các công ty này để các nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định rót tiền.
Những chia sẻ này được đưa ra tại Hội thảo Giới thiệu tài liệu thảo luận chính sách củaChương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) "Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo" diễn ra sáng 24/8 tại Hà Nội.
Bà Trần Thu Hương - Giám đốc IPP2 - cho biết, trong năm 2017, IPP2 đã tổ chức 2 nhóm nghiên cứu kết hợp với các chuyên gia Phần Lan để xây dựng bộ tài liệu chính sách về cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo dựa vào bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và các mô hình tài trợ khởi nghiệp trên thế giới. Bộ tài liệu đã được sửa đổi, hoàn thiện qua nhiều vòng hội thảo tham vấn do IPP2 tổ chức trong thời gian qua, hướng đến đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ, nhà nghiên cứu và cácthiết chế tài chính quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo.
Tại hội thảo, bà Phan Hoàng Lan - Trưởng nhóm nghiên cứu - đã trình bày các kết quả nghiên cứu chính. Trong đó, bà Lan nhắc tới vai trò nổi bật của startup là tạo ra nhiều việc làm. Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, giai đoạn 1997-2015, số lượng công việc mới ở nước Mỹ được chủ yếu tạo ra bởi các công ty khởi nghiệp. Startup là nhân tố có nhiều đổi mới sáng tạo nhất trong các công ty. Họ tạo ra sự đa dạng cho nền kinh tế. Kể cả giai đoạn kinh tế khó khăn, các công ty khởi nghiệp vẫn tạo ra nhiều việc làm và tài sản.
Và nếu như khởi nghiệp thất bại, các nhân sự của startup vẫn có thể đến làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn. Kiến thức họ tích lũy được trong giai đoạn khởi nghiệp luôn hữu ích.
"Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng ở Việt Nam, việc đầu tư cho khởi nghiệp vẫn còn hạn chế và e dè. Hầu hết các startup trong giai đoạn đầu chỉ nhận được sự giúp đỡ từ người thân. Các nhà đầu tư không quá cởi mở trong việc đầu tư vì thế, nguồn vốn từ Chính phủ là cần thiết với startup" - bà Lan nói. "Ngoài việc hỗ trợ vốn, Chính phủ cũng cần thiết lập ra những mô hình hỗ trợ khác như câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần, sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, sàn IPO cho startup, mô hình kết hợp giữa tài trợ và cho vay,…"
Đồng tình với quan điểm này, ông Jouko Ahvenainen - chuyên gia đến từ Grow VC Group cũng cho rằng, giai đoạn đầu khi startup mới bắt đầu xây dựng ý tưởng và sản phẩm, rất khó để thuyết phục nhà đầu tư 'xuống tiền'. Vì thế, cần tìm kiếm nhiều nguồn đầu tư khác nhau, ví dụ như từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý quỹ, nhà tài trợ xuất khẩu, hỗ trợ nguồn cung, hỗ trợ giao dịch, mô hình công cụ chuyển đổi tài chính...
Cũng theo ông Jouko, các đơn vị như ngân hàng rất khó quyết định cho vay vì họ không có đủ thông tin về doanh nghiệp. Vì thế, điều cần làm là xây dựng một bộ dữ liệu cho phép nhà đầu tư truy cập và kiểm tra, nhờ đó giảm thiểu rủi ro khi quyết định rót tiền.
IPP2 là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2018 với tổng ngân sách 11 triệu Euro.
Giới thiệu về chương trình, bà Trần Thu Hương- Giám đốc IPP2 -cho biết, với mục tiêu thúc đẩy sự hình thành phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững trong những năm qua, IPP đã đi tiên phong thử nghiệm nhiều mô hình, công cụ mới nhằm tác động toàn diện tới các yếu tố cấu thành của hệ sinh thái này.
Bên cạnh việc hỗ trợ Việt Nam thiết kế xây dựng chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đào tạo và xây dựng năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp giảng vên các trường đại học, cán bộ quản lý cấp trung ương và địa phương, thúc đẩy phát triển mạng lưới và quan hệ đối tác về khởi nghiệp sáng tạo với phần Lan, IPP2 còn thực hiện một cấu phần quan trọng là hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam bằng cơ chế tài chính thử nghiệm được thiết kế từ kinh nghiệm của Phần Lan. |
Ngọc Vũ