Hầu hết các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày đang bị làm giả theo nhiều cách tinh vi. Nhưng với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ, các biện pháp chống hàng giả hiện đại, có độ tin cậy cao cũng hết sức phát triển.

Muôn cách làm hàng giả

Tại Hội thảo “Giải pháp chống giả mạo trong in ấn và bảo vệ thương hiệu” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Trần Nam Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế, Quảng cáo, In Hoàng Anh cho biết, trong xã hội có một số mặt hàng được phép làm giả, phân phối và sử dụng hợp pháp như răng, tóc, lông mi, chân, tay giả, người mẫu, phụ kiện và đồ trang sức giả,… Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm cần thiết khác dù bị cấm nhưng vẫn bị làm giả nhiều như bằng lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bằng tốt nghiệp, tem đăng kiểm, tem kiểm định, sách giáo khoa, văn hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, phụ tùng, linh kiện, máy móc, dụng cụ, quần áo, thời trang, xăng - dầu- nhớt, vật liệu xây dựng (cát, xi măng, sơn, thép, ...), vỏ lốp xe,… Trong đó, hàng điện tử chiếm 87%, trang sức 30%, quần áo 23%, dược phẩm 21%, đồ chơi trẻ em 7,1%,… Các quốc gia và lãnh thổ là điểm trung chuyển hàng giả lớn bao gồm Hồng Kông, Ma Cao, Trung Đông,… và chủ yếu chuyển qua đường bưu điện (chiếm 62%), máy bay 20%, đường biển 9%, và đường bộ hơn 7%.

Hầu hết hàng hóa nào trên thị trường hiện nay cũng bị làm giả
Hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường hiện nay đều bị làm giả. Ảnh: KA

Ông Phương cho biết, rất hàng hóa được làm giả theo nhiều cách: xăng, dầu nhớt, sơn nước thường được pha chế bằng những nguyên liệu kém chất lượng, sau đó chiết vào bình cũ giả các thương hiệu; vỏ lốp xe bị làm giả bằng cách lấy lớp vỏ cũ có lớp gai bị mòn rồi khắc lại sâu hơn, nên loại này lốp thường rất mỏng hoặc dùng vỏ cũ nhưng đắp gai mới. Ngoài ra, một số thành phần còn thu mua hàng quá hạn về cắt hàng chữ nổi và đúc lại ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng mới. Thậm chí cát xây dựng cũng bị làm giả vì cát nước ngọt hiếm, giá thành cao nên các đối tượng thường làm giả bằng cách trộn cát sông với cát nước mặn. Thậm chí họ đem cát nước mặn ngâm rửa trong nước khoảng 1 – 2 tháng rồi mang bán ra thị trường. Việc sử dụng cát không đảm bảo chất lượng rất nguy hiểm đối với các công trình xây dựng. Vì vậy, theo ông Phương, Nhà nước cần phải kiểm định nghiêm ngặt chất lượng các loại cát trên thị trường và đóng gói cát thành bao mới đảm bảo chất lượng.

Ông Phương cho biết thêm, tại thị trường Việt Nam, pin sạc dự phòng, đĩa CD cũng bị làm giả khá nhiều (trên 80%). Các đối tượng chuyên thu mua các loại pin cũ về, chế tạo lại, sau đó lắp ráp vào các vỏ cục sạc dự phòng mới, làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng rồi đem bán ra thị trường.

Công nghệ vào cuộc

Theo ông Phương, để chống sao chép, sản xuất hàng giả - hàng nhái, các nhà sản xuất thường dùng một số biện pháp như: cung cấp vật phẩm, hàng hóa từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng; đánh dấu, khắc, cấy ghép, in, ăn mòn… số serial, đặc điểm nhận dạng; ghép RFID trực tiếp vào sản phẩm hoặc vào khuôn đúc vỏ sản phẩm; đánh dấu vào nhiều vị trí khác nhau trên sản phẩm và không theo quy luật lặp lại. Ngoài ra, có thể dùng tem niêm phong, tem xác thực, tem RFID... dán trực tiếp lên sản phẩm, bao bì,… Đồng thời, đóng gói các sản phẩm rời thành từng đơn vị: gói, bó, túi,… sau đó niêm phong lại. Cũng có thể dùng vật liệu đặc biệt, vật liệu có phối trộn với 1 số vật chất nhận dạng rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, kết hợp với các loại mực – hóa chất đặc biệt, ký tự - chữ viết đặc biệt không thể copy, xử lý vật lý hay kết hợp nhiều kỹ thuật phức tạp khác nhau…

Có nhiều giải pháp
Có nhiều giải pháp kỹ thuật chống làm hàng giả doanh nghiệp có thể áp dụng Ảnh: TNP

“Dựa vào giá trị, mức độ cần thiết, kinh phí và mức độ làm giả trên thị trường, các nhà sản xuất có thể lựa chọn các giải pháp và kỹ thuật chống giả phù hợp” – ông Phương nói.

Theo ông Phương, các giải pháp kỹ thuật thường hướng tới tạo các điểm nhận diện mở, ai cũng nhìn thấy, nhưng khó sao chép làm giả. Đây là phương pháp dành cho công chúng, người tiêu dùng. Trong khi đó, việc tạo các điểm nhận diện ẩn chỉ dành cho chuyên gia, kỹ thuật viên, giám định viên, cơ quan quản lý, cơ quan điều tra… hoặc công bố khi cần thiết. Phương pháp này có độ tin cậy rất cao, rất khó làm giả, và phải dùng kỹ thuật phân tích chuyên sâu mới nhận diện được. Ngoài ra, còn có thể tạo các mã xác thực để nhận diện kết hợp với các thiết bị đọc, internet, blockchain,… độ tin cậy đến gần 100%.

Ông Phương đặc biệt nhấn mạnh giải pháp chống giả mạo thông qua việc sử dụng công nghệ sản xuất tem Hologram hiện nay với kỹ thuật E-beam, có độ phân giải rất cao, tạo hình ảnh chuyển động như phim hoạt hình khi nghiêng góc của tem hologram, còn màu sắc trông như màu thực, mặc dù không hề in bằng mực màu, không thể sao chụp hoặc scan lại, nên rất khó làm giả. Loại tem này có thể ứng dụng làm tem chống hàng giả, tem bảo hành, tem niêm phong, phù hợp cho mọi dòng sản phẩm và hàng hóa.

“Không có giải pháp nào có độ tin cậy tuyệt đối hoàn toàn, các giải pháp và kỹ thuật nói trên phải phối hợp với các văn bản pháp luật và sự thi hành nghiêm minh của nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cần phải chú ý đến các giải pháp nhằm chống giả cho hàng hóa của mình thì mới đạt hiệu quả trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái hiện nay” – ông Phương nói.