Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy rửa thanh long áp lực cao, với hệ thống vòi phun xoay kết hợp phun tĩnh, giúp tăng hiệu quả làm sạch và giảm thiểu tổn thương trái.
Theo KS. Nguyễn Duy Đức, thành viên nhóm nghiên cứu, ban đầu, nhóm nghiên cứu máy rửa không hoàn toàn tự động, nhằm duy trì việc làm cho người công nhân, đặc biệt là phụ nữ trong nhà đóng gói. Máy được lắp đặt cho Công ty Hoàng Phát, với tỷ lệ rửa sạch cao vì rửa đơn lẻ từng trái.
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn có hệ thống với năng suất cao hơn, giảm số người tham gia vận hành máy, nên nhóm tiếp tục nghiên cứu cho ra dòng máy thế hệ hai đã giúp Công ty Hoàng Phát (Long An) xuất khẩu hàng nghìn tấn thanh long chất lượng cao tới một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc,… Sau một thời gian hoạt động, nhóm nhận thấy cần phải thay đổi loại vòi phun sao cho dễ dàng tháo lắp cho việc làm sạch, bảo trì, bảo dưỡng và vệ sinh máy. Đồng thời phải nâng cao chất lượng vòi phun, đảm bảo các tia nước không triệt tiêu lẫn nhau để tăng hiệu quả rửa sạch, giảm tổn thương, gãy tai trái xảy ra trong quá trình chuyển tiếp giữa máy đến các băng tải đóng gói.
“Chỉ sau một thời gian ngắn nghiên cứu, máy thế hệ ba ra đời, giúp chúng tôi khắc phục được tình trạng trên” – KS. Đức nói và cho biết, máy có thùng ngâm dài 5m, dài hơn thế hệ hai nhằm tăng thời gian và hiệu quả rửa sạch trái (trái được ngâm càng lâu thì rửa càng sạch và giảm gãy tai). Đồng thời, sử dụng các vòi phun chất lượng cao cho quá trình rửa áp lực, đảm bảo lưu lượng, áp suất nước và hình dạng tia phun.
Trái thanh long sau khi được băng tải đưa vào thùng ngâm trong nước sẽ đi qua cụm vòi rửa sơ bộ. Sau khi rửa sơ bộ, thanh long được đưa sang xích tải rửa. Tại đây, thanh long được rửa áp lực cao với hệ thống vòi phun xoay kết hợp phun tĩnh. Hệ thống vòi quay này có thể quay quanh trục cố định 200 - 400 vòng/phút nên quét vào những khe và mặt sau của tai trái mà các vòi cố định không thể phun tới. Ngoài ra, việc thiết kế hệ thống xích tải đôi với vận tốc khác biệt, giúp phân trái, tạo kẽ hở giữa các trái và không bị chồng lên nhau, đảo được mặt trái trong quá trình rửa. Đây là điểm khác biệt của dây chuyền này mà một số máy rửa thanh long khác hiện nay không có được. Sau khi rửa xong, thanh long được làm khô bằng quạt cao áp trước khi đi qua băng tải phân loại và đóng gói.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Huy (Châu Thành, Long An), cho biết, dây chuyền rửa thanh long được lắp đắt tại Công ty từ đầu năm 2019. Qua thời gian sử dụng cho thấy, hiệu quả làm sạch trái rất cao mà giảm thiểu được tổn thương trái. Thanh long ruột trắng độ sạch đạt từ 98 - 99%, ruột đỏ đạt 96 - 97%; tỷ lệ độ gãy tai dưới 4%. Ngoài ra, máy còn giúp Công ty giảm được chi phí nhân công và tăng hiệu quả của việc xử lý diệt nấm cho trái sau thu hoạch. Từ đó, Công ty đã mở rộng kinh doanh để xuất khẩu thanh long sang nhiều nước như Úc, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, EU,…