Dự án được thực hiện bởi nhóm các giảng viên đại học và nhà nghiên cứu, nhằm giới thiệu và thúc đẩy một mô hình giáo dục STEM hiệu quả, bền vững, có thể áp dụng rộng rãi, không phụ thuộc vào tính chất địa bàn.
Sáng 15/8/2019, dự án Xây dựng mô hình giáo dục STEM cho các trường THCS và THPT tại tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội thảo mở đầu đợt tập huấn cho các lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT và các cán bộ quản lý, giáo viên của 16 trường trên địa bàn tỉnh.
Giới thiệu về
dự án, TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hóa học – Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết, dự án được triển khai tại 6 trường THPT và 4 trường THCS ở TP Lào Cai và các huyện Bát Xát, Sapa, Bảo Thắng, Bắc Hà. Bằng việc không chỉ tập trung vào các trường ở thành phố, Dự án muốn chứng tỏ rằng giáo dục STEM có thể triển khai rộng rãi ở nhiều nơi, không phụ thuộc tính chất địa bàn.
Tiếp theo, trong bài trình bày của mình, TS Đặng Văn Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, giáo dục STEM nên được hiểu như một tiếp cận liên môn trong học tập gắn với việc ứng dụng, thực hành trong những bối cảnh cụ thể. Do đây là một tiếp cận mới mẻ ở Việt Nam nên chiến lược phát triển giáo dục STEM trong nhà trường cần được bắt đầu từ việc tạo nhận thức cho nhà quản lý giáo dục ở các cấp và giáo viên. Tiếp đó là thành lập, vận hành các CLB STEM ngoại khóa và tổ chức các ngày hội STEM nhằm lôi kéo thêm nhiều học sinh quan tâm. Chiến lược cũng nên bao gồm việc thu hút sự tham gia của các trường đại học, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp bởi đây là những thành tố quan trọng của hệ sinh thái giáo dục STEM, có thể đóng góp vào việc tập huấn giáo viên, chia sẻ cơ sở vật chất hoặc tài trợ, cung cấp bài học, nguyên vật liệu…
ThS Hoàng Vân Đông giới thiệu một số công cụ dạy học STEM ở môn Tin học và Công nghệ, trong đó có máy in 3D và robot. Ảnh: TT
Hội thảo còn được nghe ThS Hoàng Vân Đông (ĐH Điện lực) trình bày về một số công cụ dạy học STEM ở môn Tin học và Công nghệ trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được áp dụng và theo đó, học sinh THPT bắt đầu được học những chủ đề STEM liên quan đến công nghệ CNC, in 3D, linh kiện điện tử, điện tử số, vi điều khiển, lập trình robot…
Sau hội thảo, nhóm dự án - gồm các cựu du học sinh của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF cùng các chuyên gia của Liên minh STEM Việt Nam và Quỹ Việt Nam - còn tiến hành 2 đợt tập huấn từ nay đến hết tháng 8 nhằm hướng dẫn cho giáo viên các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cùng các kỹ năng thực hành các chủ đề STEM. Qua đó, các thầy cô sẽ nắm rõ quy trình thiết kế một chủ đề STEM; làm quen với lập trình Arduino và phần mềm lập trình kéo thả; thực hành lắp ráp robot, lập trình điều khiển xe tự hành, lắp mạch sử dụng cảm biến, lắp mạch điện tử và lập trình nông nghiệp thông minh…
Cuối cùng, nhóm thực hiện dự án sẽ hướng dẫn và tư vấn xây dựng, vận hành 10 câu lạc bộ STEM và phối hợp tổ chức 5 ngày hội STEM cho các trường tham gia dự án.
Các bài giảng trong khuôn khổ dự án sẽ được tập hợp, tổ chức thành các module và đăng tải lên mạng internet của Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam (Vietnam Open Educational Resources (VOER –http://voer.edu.vn) để phục vụ các đơn vị, cá nhân và tổ chức quan tâm đến giáo dục STEM.
Các thành viên nhóm dự án cũng dành một phần thù lao của mình để tặng mỗi trường tham gia dự án một robot giáo dục KCbot và một bộ học tập Arduino bao gồm các bo mạch chính, cảm biến thông dụng (cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm...), các thiết bị ngoại vi (LED, LCD, còi...)...
Nếu ‘mô hình Lào Cai’ thành công, Quỹ Việt Nam sẽ kêu gọi vận động tài trợ để thực hiện các hoạt động tập huấn, đào tạo tương tự tại các tỉnh/thành phố khác của Việt Nam, với sự cộng tác của mạng lưới cộng đồng các cựu du học sinh quỹ VEF.
Tham dự hội thảo tập huấn, lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, giáo dục STEM được xác định là một trong năm nội dung đột phá của ngành giáo dục tỉnh từ năm 2020 – 2025 và tổ nghiên cứu giáo dục STEM cũng vừa được thành lập cách đây chưa đầy 1 tháng, thành phần gồm gần 40 thầy cô cốt cán ở các trường trong tỉnh.
Riêng ở TP Lào Cai, từ năm 2017, đã có một số trường xây dựng được CLB STEM với robot, máy cắt laser, máy in 3D và tổ chức được Ngày hội STEM. Thành phố này có những tiền đề thuận lợi cho việc phát triển giáo dục STEM như có hoạt động khoa học kỹ thuật sôi nổi với những thành tích đáng nể ở các kỳ thi quốc gia cũng như quốc tế, và đông học sinh tham gia các kỳ thi giải toán bằng tiếng Anh trên mạng.
Dự án Xây dựng mô hình giáo dục STEM cho các trường THCS và THPT tại tỉnh Lào Cai do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và kéo dài 1 năm.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đã tài trợ cho một dự án khác nhằm triển khai giáo dục STEM ở các trường tiểu học, THCS và một số trung tâm giáo dục cộng đồng trên địa bàn TP Hà Giang. Hiện dự án này đang trong giai đoạn đánh giá kết quả. |