Ba báo cáo về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam công bố vào sáng ngày 3/11 do Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan khoa học quốc gia Úc (CSIRO) thực hiện đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về thực trạng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Đánh giá về các báo cáo quan trọng này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng “các báo cáo đã cung cấp các thông tin đáng tin cậy hỗ trợ việc hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Nhìn chung, những chính sách thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam gần đây đã mang lại những kết quả tích cực: “Việc phân bổ nguồn lực cho R&D tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự cải thiện, mặc dù vẫn còn thấp song điều đáng chú ý là các doanh nghiệp đã chiếm phần đáng kể trong đầu tư R&D (khoảng 64%)”. Bên cạnh đó, “số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng tăng mạnh”.
Tuy nhiên “tăng trưởng năng suất của Việt Nam bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu do đổi mới công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”. Theo ông Marcin Piatkowski, chuyên gia kinh tế ở WB, một trong những nguyên nhân chính là do “Việt Nam đang chú ý quá nhiều vào việc tập trung nghiên cứu phát triển đưa ra các phát kiến mới, trong khi đó việc hấp thụ, phổ biến công nghệ và ứng dụng các kết quả hiện có lại chưa được chú ý nhiều”. Điều này không chỉ hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến việc thu lợi từ các kênh chuyển giao công nghệ chính thống như FDI hoặc nhượng quyền sáng chế trong khi “các kênh chuyển giao này chỉ phát huy hiệu quả khi các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực hấp thụ”.
Do vậy, tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Thanh An