Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dự thảo hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về việc chia sẻ công bằng vaccine, thuốc và biện pháp chẩn đoán trên toàn thế giới trong các đại dịch tương lai, nhằm tránh sự chia rẽ và bất bình đẳng như trong đại dịch COVID-19.

"Bất bình đẳng vaccine là điểm yếu lớn mà chúng ta thấy trong dịch COVID-19", Suerie Moon, nhà nghiên cứu chính sách y tế toàn cầu tại Viện Cao học Geneva, Thụy Sĩ, nói. Ở các quốc gia có thu nhập cao, khoảng 73% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Tỷ lệ này là 31% ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Các quốc gia thành viên của WHO sẽ bắt đầu thảo luận các điều khoản của hiệp ước, được gọi là bản dự thảo hiệp ước số 0, tại một loạt cuộc họp từ cuối tháng này. Dự kiến, hiệp ước sẽ được thông qua vào năm tới.

Lô hàng vaccine ngừa SARS-CoV-2 gửi đến Sudan. Nhiều chính phủ đã phải vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho công dân của họ trong đại dịch COVID-19.

Trọng tâm chính của bản dự thảo số 0 là quyền tiếp cận công bằng. Các điều khoản bao gồm thiết lập một mạng lưới toàn cầu để cung cấp và phân phối các thành phần được sử dụng để sản xuất thuốc, tăng cường nghiên cứu và phát triển vaccine và phương pháp điều trị, và chia sẻ kiến thức đó với thế giới.

Dự thảo kêu gọi các bên từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ để cho phép sản xuất nhanh vaccine, thiết bị y tế, khẩu trang, chẩn đoán và thuốc khi đại dịch xảy ra. Moon cho biết nếu các nước đồng ý với các điều khoản này thì thế giới sẽ tránh được tình trạng bế tắc như trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, vào cuối năm 2020, Nam Phi và Ấn Độ đề xuất áp dụng miễn trừ có thời hạn quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, thuốc và phương pháp chẩn đoán COVID-19, nhưng đã bị bác bỏ.

Dự thảo cũng hướng tới một thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, các quốc gia giàu muốn được chia sẻ dữ liệu về mầm bệnh và bộ gen, còn các quốc gia thu nhập thấp muốn tiếp cận các sản phẩm được tạo ra từ dữ liệu đó với giá cả phải chăng. Dự thảo yêu cầu các bên ký kết cung cấp mầm bệnh cho phòng thí nghiệm thuộc WHO trong vòng vài giờ sau khi phát hiện, đồng thời công khai dữ liệu bộ gen. Đổi lại, các bên được tiếp cận kho dữ liệu chung sẽ phải cung cấp cho WHO 20% vaccine, phương pháp chẩn đoán và thuốc mà họ sản xuất, một nửa dưới dạng quyên góp và một nửa với giá rẻ. Nhưng điểm yếu của dự thảo là không yêu cầu các bên chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo các điều khoản hiện có, các bên sẽ phân bổ không ít hơn 5% ngân sách y tế hằng năm của mình để phòng ngừa và ứng phó với đại dịch, và dành một tỷ lệ phần trăm chưa được xác định trong tổng sản phẩm quốc nội để hỗ trợ các nước đang phát triển chuẩn bị cho đại dịch. Nếu được thông qua, đây sẽ là trường hợp đầu tiên các chính phủ cam kết dành một khoản tiền cụ thể cho viện trợ quốc tế trong một hiệp ước. “Tôi không nghĩ điều này có khả năng xảy ra, nhưng đó là một đề xuất táo bạo," Moon nói.

Biến thể mới của cúm H5N1 đã lây lan ở loài chồn.

Nhưng các nhà nghiên cứu lo ngại rằng hiệp ước thiếu độ cứng rắn và khả năng thực thi để đảm bảo phản ứng với các đại dịch trong tương lai hiệu quả hơn. “Không có lời hứa nào mà các quốc gia đưa ra trong bản thân văn kiện hiệp ước có ý nghĩa hay tác dụng, trừ khi có một cơ chế mạnh mẽ buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm," Layth Hanbali, nhà phân tích chính sách y tế tại tổ chức tư vấn Spark Street Advisors, nói.

Nguồn: