Các nhà khoa học tại Đại học Autònoma de Barcelona (Tây Ban Nha) và Đại học Aalborg (Đan Mạch) phát hiện tổng lượng hạt vi nhựa lắng đọng dưới đáy đại dương đã tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, tương ứng với việc gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa của con người.

Đây là kết quả sau khi nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích các mẫu trầm tích dưới đáy biển, đặc biệt là ở khu vực phía Tây Địa Trung Hải, do tàu Sarmiento de Gamboa thu thập trong một chuyến thám hiểm trước đó vào tháng 11/2019.

“Trong hai thập kỷ qua, sự tích tụ các hạt nhựa polyetylen và polypropylen từ bao bì, chai lọ và màng bọc thực phẩm, cũng như polyester từ sợi tổng hợp trong vải quần áo đã tăng lên nhanh chóng”, Michael Grelaud, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Autònoma de Barcelona, cho biết. “Hàm lượng của ba loại hạt nhựa này đạt tới 1,5mg trên mỗi kg trầm tích được thu thập, trong đó polypropylen là phổ biến nhất, tiếp đến là polyetylen và polyester”.

Khi các hạt vi nhựa lắng đọng và mắc kẹt trong trầm tích đáy biển, chúng khó bị phân hủy và ăn mòn do thiếu oxy, ánh sáng. Chúng là dấu vết của sự ô nhiễm do con người gây ra ở môi trường đại dương.

Nguồn: Sciencedaily.com