Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc về vaccine, tuy nhiên nước này lại không có đủ các ca nhiễm corona cần thiết để có thể tiến hành thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc buộc phải tiến hành thí nghiệm ở nước ngoài. Họ thử nghiệm ở đâu, có được các nước đó hoan nghênh?

Không có món quà Giáng sinh như nhiều người trông đợi. Đáng ra một ngày trước đêm Giáng sinh, Trung Quốc sẽ công bố kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 của mình. Các nhà khoa học từng hy vọng vaccine Coronavac cũng đạt các chỉ tiêu tương tự như vaccine của Moderna và Biontech/Pfizer. Nhưng nay nhà sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc buộc phải hoãn công bố kết quả 15 ngày.

Nhân viên phòng thí nghiệm Sinovac ở Bắc Kinh.

Thế giới lại phải tiếp tục chờ đợi câu trả lời của Trung Quốc. Quá trình tìm kiếm vaccine của Trung Quốc dường như không được thuận buồm xuôi gió như các cơ quan truyền thông của nước này loan báo. Trung Quốc thực sự khao khát trở thành nước đầu tiên trên thế giới giới thiệu về một loại vaccine của mình, nơi cách đây hơn một năm đã bùng nổ đại dịch. Ngay từ hồi tháng năm ông Tập Cận Bình, chủ tịch nước và tổng bí thư đảng đã nói loại vaccine của Trung Quốc sẽ là "một tài sản chung của toàn cầu". Trung Quốc muốn ngành công nghiệp vaccine của họ tạo đột phá trong đại dịch trên thị trường thế giới, tuy nhiên con đường đến đó còn nhiều trắc trở, khó khăn.

"Với Trung Quốc, việc được là một trong những nước đầu tiên tiêu diệt virus vừa là một sự may mắn nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho nghiên cứu phát triển vaccine", ông Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa kỳ cho hay. "Ở Trung Quốc hiện chỉ có một số ca nhiễm corona trong khi thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn ba đòi hỏi phải có nhiều ca lây nhiễm".

Do đó các nhà phát triển vaccine của Trung Quốc buộc phải tiến hành thử nghiệm ở hàng chục nước khác nhau – nhưng những nước bị lây nhiễm nặng nề nhất như Hoa Kỳ hay Ấn Độ thì đang có quan hệ chính trị căng thẳng nên không thể tiến hành thử nghiệm được. Tuy nhiên vừa qua Trung Quốc phải hoãn công bố kết quả, họ cho biết lý do vì còn phải chờ kết quả thử nghiệm ở Indonessia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà sản xuất của Trung Quốc đang bị tụt hậu không chỉ vì độ trễ thời gian mà còn vì sự thiếu minh bạch. Ông Yanzhong Huang cho hay: “Cho đến nay, họ thậm chí còn chưa công bố kết quả sơ bộ để có thể được đánh giá độc lập. Điều đó làm chúng tôi bất ngờ. Ai muốn xuất khẩu sản phẩm của mình và tăng thị phần quốc tế phải tuân thủ các quy trình và quy chế đã được công nhận trên toàn cầu".

Chìa khóa cho hoạt động tiếp thị quốc tế là danh sách các vaccine đã được tiền đánh giá chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ khi nào WHO nhận được các dữ liệu do các nhà sản xuất nộp và được công nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn, lúc đó vaccine mới được liệt kê vào danh sách của tổ chức này. WHO lần đầu tiên chứng nhận một loại vaccine được sản xuất tại Trung Quốc theo cách này vào năm 2013, và từ đó chỉ có một số vaccine khác đã làm theo cách này. Để so sánh: ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sản xuất 107 loại vắc xin đủ tiêu chuẩn.

Trên cơ sở sơ tuyển về chất lượng của WHO, Sáng kiến tiêm chủng quốc tế Covax xem xét các vaccine ứng viên nhằm cung cấp cho những nước nghèo hơn các loại vaccin-corona. Trong đó có các vacccine ứng viên của Moderna, Biontech/Pfizer và hãng AstraZeneca liên doanh Anh và Thụy Điển. Còn ưng viên Sinovac của doanh nghiệp quốc doanh Sinopharm hoặc nhà sản xuất vaccine lớn hàng thứ ba của Trung Quốc CanSino cho đến nay chưa xem xét việc tham gia vào liên minh Covax.

Theo Huang thì các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố rõ, họ chỉ tài trợ cho việc mua những loại vaccine đã thông qua sơ tuyển. Do đó những nước khác có ý định tiêu thụ vaccine của Trung Quốc phải dựa vào các kênh thanh toán khác, thí dụ vay tín dụng của Trung Quốc hay lấy từ ngân sách của nước mình.

Mặc dù vậy, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đã đạt được một số thành công. Cách đây vài tuần các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain đã phê duyệt vaccin-Sinopharm cho dù chưa có kết quả cuối cùng. Ai Cập đã nhận được lô hàng Sinopharm đầu tiên hôm chủ nhật. Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thử nghiệm Sinovac, chuẩn bị bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12; 3 triệu liều đầu tiên trong số 50 triệu liều Coronavax đã đặt hàng sẽ đến tay khách hàng trong vài ngày tới.

Tuy nhiên cũng có những nước sẽ không mua vaccine nếu không có chứng nhận của WHO. Tuần qua chính thủ tướng Cămpuchia Hun Sen tuyên bố, chính phủ của ông đã đặt nửa triệu liều vaccin của liên minh Covax – và không đặt hàng của Trung Quốc. Hun Sen nói thẳng thừng, đất nước ông sẽ không chấp nhận loại vaccin nào không có dấu xác thực của WHO.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/politik/ausland/china-der-lange-marsch-zu-einem-corona-impfstoff-a-0eb7567f-ed36-45bc-b5b5-517cacba0e1b