Sáng kiến toàn cầu COVAX mới huy động được 700 triệu USD để tài trợ vắc xin COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn, như vậy còn thiếu khoảng 2 tỷ USD so với dự kiến.


Xét nghiệm COVID cho một người đàn ông ở Jakarta, Indonesia.

Mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, tổng dân số ở các quốc gia đăng ký tham gia sáng kiến toàn cầu COVAX tính đến nay tương đương 64% dân số thế giới.

Bên cạnh đó, đã có 64 quốc gia - bao gồm 29 nền kinh tế châu Âu, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Peru - cam kết trở thành đối tác của WHO trong cơ chế COVAX Facility. Đây là cơ chế mà thông qua đó, sáng kiến toàn cầu COVAX sẽ đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng và bình đẳng cho tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia có khả năng mua hoặc tự sản xuất vắc xin. Ngoài ra, dự kiến sẽ sớm có thêm 38 quốc gia cam kết trở thành đối tác của WHO trong cơ chế này. Đáng lưu ý là, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang vắng mặt.

Các quốc gia là đối tác của WHO trong cơ chế COVAX Facility sẽ tự trả tiền cho số liều vắc xin họ mua. Các nước có thu nhập thấp hơn đã tham gia sáng kiến COVAX sẽ được tài trợ để mua vắc xin.

Đến nay, WHO mới huy động được 700 triệu USD để tài trợ vắc xin ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, như vậy còn thiếu khoảng 2 tỷ USD so với dự kiến.

“Cơ chế phân bổ công bằng” của WHO đề xuất phân phối vắc xin theo hai giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu, tất cả các quốc gia sẽ nhận được số lượng vắc xin tỉ lệ thuận với dân số của họ. Đầu tiên, mỗi nước sẽ nhận số lượng vắc xin đủ để tạo miễn dịch cho 3% dân số - những liều đầu tiên sẽ dành cho những người làm công tác y tế và chăm sóc xã hội tuyến đầu. Sau đó tiếp tục có các đợt vắc xin bổ sung cho đến khi 20% dân số quốc gia có nguy cơ cao nhất từ COVID-19, bao gồm người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, được bảo vệ.

Trong giai đoạn hai, vắc xin dành cho 80% dân số còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia dựa trên hai tiêu chí quyết định mức độ ưu tiên:

(i) tốc độ lây lan của virus và liệu quốc gia đó có các mầm bệnh khác như cúm hoặc sởi đang lây lan đồng thời hay không; và

(ii) mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống y tế của quốc gia, dựa trên các số liệu như công suất sử dụng giường bệnh trong bệnh viện và các đơn vị chăm sóc đặc biệt

Những chỉ trích với kế hoạch của WHO

Ezekiel Emanuel, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Pennsylvania, đã chỉ trích cách tiếp cận của WHO trong giai đoạn đầu. Ông nói, các quốc gia có nhu cầu lớn nhất nên đứng đầu danh sách được cấp vắc xin. Emanuel so sánh tình huống đối phó dịch bệnh toàn cầu giống như một bác sĩ đang đối mặt với một phòng cấp cứu đầy bệnh nhân. "Bác sĩ sẽ không dành 3 phút cho mọi người ngồi trong phòng chờ, mà sẽ ưu tiên cho ai bị bệnh nặng nhất." Emanuel lưu ý, hiện tại, việc gửi vắc xin đến Hàn Quốc, New Zealand hoặc nhiều nước châu Phi sẽ không giúp giảm tử vong do COVID-19 vì những quốc gia này vốn có tỷ lệ mắc bệnh thấp; ông cho rằng vắc xin có thể phát huy hiệu quả hơn ở những nơi khác.

Còn có nhiều cảnh báo khác đối với kế hoạch của WHO, quan trọng nhất là kế hoạch đã được soạn thảo mà không cần biết đến các đặc tính của loại vắc xin sẽ xuất hiện đầu tiên. Kế hoạch này trên giả định rằng loại vắc xin đó có tính an toàn và hiệu quả phổ quát. Nhưng nếu vắc xin đầu tiên có khả năng bảo vệ người trẻ tốt hơn nhiều so với người cao tuổi thì có thể cần một chiến lược khác.

Kế hoạch còn đối mặt với những rủi như các quốc gia có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để từ chối cung cấp vắc xin cho sáng kiến COVAX, Alexandra Phelan, luật sư tại Đại học Georgetown, nói. "Chúng ta vẫn cần cam kết toàn cầu để đặt ra các tiêu chuẩn về những hành vi không được chấp nhận trong quá trình phân phối vắc xin, bao gồm cả việc phân biệt đối xử giữa các quốc gia".

Cơ chế phân phối vắc xin lần này có thể trở thành một tiêu chuẩn cho các đại dịch trong tương lai, theo Phelan. "Như Tổng giám đốc WHO đã lưu ý, chúng ta cần chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo ngay bây giờ, ngoài việc ứng phó với COVID."

Nguồn: