Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, Chính phủ Việt Nam và hộ gia đình duy trì mức đầu tư cao cho giáo dục; tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa mức đầu tư và đòi hỏi của thực tế.
Giáo dục phổ thông - ưu tiên lớn của Chính phủ và gia đình
Báo cáo “Vốn nhân lực Việt Nam: Thành tựu giáo dục và thách thức trong tương lai” do World Bank xuất bản tháng 8/2020 cho rằng Việt Nam là nước có cam kết mạnh mẽ với công cuộc phát triển giáo dục, thể hiện qua mức đầu tư cao cho giáo dục mầm non và giáo dục cơ bản (tức giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12).
Cụ thể, năm 2002, Chính phủ chi 3,9% GDP cho giáo dục (tương đương khoảng 1,36 tỉ USD); và đến năm 2014, con số này đã tăng lên 6,3% (tương đương khoảng 11,7 tỷ USD). Trong đó, 14,3% tổng chi tiêu giáo dục được phân bổ cho cấp mầm non và 50,4% cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở - theo con số của năm 2012.
Ngay cả khi Chính phủ đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng hồi giữa những năm 1980 và phải bắt đầu đưa ra chính sách thu học phí thì giáo dục tiểu học vẫn được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Năm 1991, Chính phủ ban hành chính sách phổ cập giáo dục ban đầu bắt buộc 5 năm; và đến năm 2000, chính sách này đã được thực hiện thành công. Bên cạnh đó, Chính phủ bắt đầu tăng thời lượng dành cho giáo dục tiểu học từ học nửa ngày lên học cả ngày từ năm 2008. Tính đến năm 2016, 74% các trường tiểu học trong cả nước áp dụng chế độ học cả ngày. Năm 2013, chính phủ quyết định mở rộng phạm vi phổ cập giáo dục bắt buộc thành 9 năm (thêm 3 năm THCS).
Đáng chú ý, hoạt động đầu tư của Chính phủ hướng nhiều đến công bằng trong giáo dục - một yếu tố được Báo cáo của World Bank đánh giá là góp phần quan trọng góp phần làm nên kết quả học tập cao của học sinh Việt Nam. Chính phủ ưu tiên mức phân bổ nhiều hơn cho mỗi học sinh ở các tỉnh và huyện vùng sâu vùng xa, cũng như thông qua các chế độ phụ cấp để nâng mức lương dành cho giáo viên công tác tại những vùng khó khăn cao hơn so với giáo viên ở thành phố.
Trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách chi thường xuyên cho mỗi học sinh phổ thông chênh lệch rất rõ giữa các khu vực địa lý. Cụ thể, ở khu vực thành thị, mức chi cho mỗi học sinh là 1,24 triệu đồng/năm; ở đồng bằng - 1,46 triệu đồng; vùng núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1,99 triệu đồng; và ở hải đảo có mức cao nhất, lên đến 2,78 triệu đồng.
Tỷ trọng chi tiêu công lớn của Chính phủ dành cho giáo dục phổ thông không có nghĩa là chi tiêu tư nhân cho lĩnh vực này ở Việt Nam thấp. Các gia đình dành tỷ lệ lớn tổng chi tiêu cho giáo dục, ngay từ các cấp giáo dục phổ thông, cao hơn mức trung bình của OECD và một số quốc gia tương đương không thuộc OECD - Báo cáo viết. Và mức chi này có xu hướng tăng dần theo các cấp học, khẳng định giáo dục là mối quan tâm lớn của các gia đình.
Cụ thể, năm 2013, ở cấp tiểu học, phần lớn chi tiêu cho một học sinh là chi tiêu công (chi tiêu công là 8,3 triệu đồng, chiếm hơn 87% tổng chi tiêu cho một học sinh; trong khi hộ gia đình chi tiêu khoảng 1,2 triệu, tương đương 13% còn lại). Ở cấp THCS, tỷ lệ chi tiêu công và chi tiêu của gia đình cho một học sinh là 80%-20% (chi tiêu công đầu tư khoảng 9,8 triệu đồng, chi tiêu của hộ gia đình khoảng 1,9 triệu đồng). Ở cấp THPT, tỉ lệ này là 70%-30% (chi tiêu công đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng và chi tiêu của hộ gia đình khoảng 3,7 triệu đồng). Lên đến đại học, chi tiêu công và chi tiêu của hộ gia đình cho mỗi sinh viên gần như cân bằng - 55% và 45% (chi tiêu công khoảng 14,1 triệu đồng, chi tiêu hộ gia đình 11,7 triệu đồng).
Bên cạnh đề cập những cam kết mạnh mẽ dành cho giáo dục cả từ phía Chính phủ và gia đình, Báo cáo cũng nhắc đến những thách thức đối với sự phát triển giáo dục ở Việt Nam, như tỷ lệ tiếp cận giáo dục trung học còn thấp và không công bằng đối với các nhóm có hoàn cảnh khó khăn như người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật, các hộ nghèo, vùng sâu - vùng xa - miền núi. Khoảng cách được thể hiện qua các chỉ số như tỷ lệ nhập học, tỷ lệ bỏ học, tỷ lệ đúp lớp, tỷ lệ tốt nghiệp cũng như kết quả học tập.
Báo cáo đề xuất các chính sách dự kiến để khắc phục những chênh lệch này và cân bằng cơ hội học tập, bao gồm: (1) phổ cập chương trình phát triển trẻ thơ rộng hơn phạm vi chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; (2) hỗ trợ tài chính mục tiêu dưới hình thức trợ cấp cho học sinh THPT để giải quyết các vấn đề về khả năng chi trả và chi phí cơ hội; (3) hỗ trợ cơ hội học tập thứ hai cho trẻ chưa từng đi học và học sinh bỏ học thông qua các ưu đãi trong trường và quan hệ đối tác ba bên giữa nhà nước, cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự (CSO); và (4) tách yêu cầu đăng ký nhà nước với các dịch vụ xã hội như việc xin học tại trường công lập.
Ngoài ra, Báo cáo còn nhận định, việc cải cách chương trình và sách giáo khoa để chuyển sang đào tạo phát triển năng lực vẫn thiếu những hướng dẫn rõ ràng, và chưa có điều kiện thuận lợi cho phương thức giảng dạy dựa trên năng lực. Nhiều khu vực còn thiếu kinh phí để cải tạo, nâng cấp phòng học cũng như đầu tư trang thiết bị và tài liệu học tập cần thiết.
Đề xuất các giải pháp, Báo cáo cho rằng, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả hơn các chính sách và chương trình hiện có để tăng khả năng thực thi đào tạo dựa trên năng lực, như Dự án Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông (RGEP) và Chương trình Nâng cao Năng lực Đội ngũ Giáo viên và Cán bộ quản lý giáo dục (ETEP) trong khuôn khổ Chiến lược Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo năm 2013. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đầu tư công bằng hơn cho cơ sở vật chất và tài liệu học tập trên toàn quốc.
Giáo dục đại học - thiếu kinh phí và chiến lược đủ mạnh
Về hệ thống giáo dục sau phổ thông, Báo cáo cho rằng còn nhiều bất cập như thiếu kinh phí và chiến lược toàn ngành không đủ mạnh, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo một báo cáo khác của World Bank (Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options, xuất bản tháng 4/2020) tập trung vào giáo dục đại học thì trong giai đoạn 2004-2015, giáo dục đại học nhận được tỷ lệ phân bổ tài trợ công thấp nhất so với các cấp học khác, chỉ tương đương 6,1% tổng chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục.
So với Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, phân bổ tài trợ công của Việt Nam cho giáo dục đại học đều thấp hơn. Nguồn ngân sách do Chính phủ cấp chỉ chiếm 22% tổng ngân sách của các trường đại học công lập trong năm 2017, Báo cáo “Improving the Performance of Higher Education in Vietnam” cho biết.
Cũng theo báo cáo này, chi tiêu công cho mỗi sinh viên của Việt Nam là 316 USD (15% GDP bình quân đầu người) trong năm 2015 - là một trong những mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Mặc dù mức đầu tư này cao hơn so với đa số các bậc học khác, song vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi của thực tế. Sử dụng dữ liệu về GDP đầu người, chi phí đầu tư trên đầu sinh viên của nhà nước, học phí trung bình ở các trường công ở 30 nước trên thế giới, TS Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, một tác giả của Báo cáo "Improving the Performance of Higher Education in Vietnam” - và các cộng sự từng tính ra con số chi phí hợp lý ở Việt Nam trong năm 2013 là 56 triệu đồng/sinh viên (hay 1.900 USD, tương đương 138% GDP đầu người) và năm 2018 là 61 triệu đồng/sinh viên (hay 2.760 USD, tương đương 118% GDP đầu người). Trong khi, theo Báo cáo “Vốn nhân lực Việt Nam”, con số này vào năm 2013 mới đạt gần 26 triệu đồng/sinh viên, bao gồm cả đầu tư của Chính phủ và hộ gia đình. Khảo sát do nhóm nghiên cứu của TS Hiệp thực hiện cho thấy, chỉ có một số chương trình tại các đại học tư như ĐH FPT, ĐH Hoa Sen…, các đại học quốc tế như ĐH RMIT Việt Nam hoặc chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có mức chi phí đơn vị tương đương hoặc hơn so với mức hợp lý mà nhóm ước tính.
Theo TS Hiệp, là một nước kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ và nhu cầu học đại học tăng nhanh, Việt Nam nên có chính sách tập trung đầu tư vào một số lượng nhỏ các trường công, đồng thời thúc đẩy giáo dục đại học tư nhân phát triển. Đây sẽ là chiến lược căn cơ để chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước với người học và xã hội, đảm bảo đầu tư trên mỗi sinh viên đạt mức hợp lý, và nhờ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc cấp ngân sách, cần chuyển từ cấp ngân sách cho bên cung sang cấp ngân sách cho bên cầu. “Tức là, thay vì cấp ngân sách cho nhà trường thì cấp ngân sách cho người học. Thí dụ, chúng ta sẽ có những quy định về người học trình độ như thế nào, học ngành nào thì được cấp ngân sách. Cách này làm cho ranh giới giữa trường công, trường tư mờ đi, thậm chí là chính trường tư cũng có thể được nhận ngân sách, nếu hoạt động của họ đáp ứng tốt nhu cầu chung của xã hội,” TS Hiệp nói.