Mọi vắcxin phòng bệnh đều phải được EMA cấp phép trước khi đưa ra sử dụng tại EU và tới nay chưa có vắcxin COVID-19 nào nhận được giấy phép lưu hành từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm EU.
Tiêm thử nghiệm vắcxin mRNA-1273 ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 22/9, EMA - Cơ quan Quản lý Dược phẩm Liên minh châu Âu (EU), cho biết chỉ riêng trong tháng Chín, cơ quan này đã làm việc với hơn 30 nhà phát triển vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiềm năng.
Cụ thể, phát biểu tại phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu (EP), phụ trách bộ phận nghiên cứu lâm sàng và sản xuất của EMA, Fergus Sweeney, xác nhận tính từ đầu tháng Chín tới nay, cơ quan này đã liên hệ với 38 nhà sản xuất. Ông Sweeney khẳng định các quy trình cấp phép vắcxin phòng COVID-19 của EU sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn đã đặt ra.
Theo quan chức này, EU cũng sẽ tăng cường giám sát độ an toàn của những vắcxin tiềm năng đang được phát triển.
Mọi vắcxin phòng bệnh đều phải được EMA cấp phép trước khi đưa ra sử dụng tại EU và tới nay chưa có vắcxin COVID-19 nào nhận được giấy phép lưu hành từ EMA.
Cũng tại phiên điều trần trước EP, Chủ tịch hội đồng quản trị của Hiệp hội sản xuất vắcxin châu Âu (Vaccine Europe) Sue Middleton cho biết giá một liều vắcxin phòng COVID-19 dao động từ 5-15 euro (6-18 USD) là hợp lý. Vaccine Europe là đại diện các công ty dược phẩm lớn của châu Âu.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/9, Chính phủ Pakistan cho biết quốc gia này đã triển khai giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 của công ty Casinobio (Trung Quốc) phát triển.
Giám đốc điều hành của Viện Y tế quốc gia Pakistan (NIH) Aamer Ikram xác nhận vắcxin sẽ được thử nghiệm trên 8.000-10.000 tình nguyện viên trên toàn quốc và kết quả thử nghiệm cuối cùng có thể sẽ được công bố sau khoảng Sáu tháng. Nếu thử nghiệm thành công, vắcxin sẽ được cung cấp cho toàn dân. Loại vắcxin này được cơ quan quản lý dược phẩm Pakistan cấp phép thử nghiệm dưới sự giám sát của NIH.
Cuộc chạy đua phát triển vắcxin phòng COVID-19 đang ngày càng "nóng" hơn khi mà dịch bệnh đã khiến gần 1 triệu người tử vong và khiến các chính phủ phải đau đầu lựa chọn những biện pháp giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu những tác động kinh tế và xã hội khó lường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa 38 loại vắcxin vào danh sách đánh giá lâm sàng, trong đó có những ứng cử viên vắcxin từ Trung Quốc và Nga. Khoảng 149 loại khác đang trong giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng./.
Theo Vietnamplus