Nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các dòng chảy kim loại lỏng khổng lồ trong lõi – nơi sản sinh ra từ trường của Trái đất.

Lõi Trái Đất, hiển thị màu đỏ hình 'bánh rán' chứa nhiều nguyên tố nhẹ hơn xung quanh đường xích đạo. Ảnh: Xiaolong Ma và   Hrvoje Tkalčić
Lõi Trái Đất, hiển thị màu đỏ hình 'bánh vòng' chứa nhiều nguyên tố nhẹ hơn xung quanh đường xích đạo. Ảnh: Xiaolong Ma và Hrvoje Tkalčić

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào ngày 2/9, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia đã phát hiện một cấu trúc khổng lồ có hình dạng giống như một chiếc bánh vòng (Donut) trong lõi Trái đất, bên dưới khu vực gần đường xích đạo.

Cấu tạo của Trái đất gồm bốn lớp chính: lớp vỏ bề mặt, lớp phủ (manti), lõi ngoài bằng kim loại lỏng và lõi trong bằng kim loại rắn. Cấu trúc hình xuyến mới phát hiện có độ dày vài trăm km, nằm ở độ sâu khoảng 2.890 km, tại ranh giới giữa lõi ngoài và lớp phủ.

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra cấu trúc bí ẩn sau khi phân tích sóng địa chấn do động đất tạo ra để tìm hiểu hình dạng và cấu trúc của lõi Trái đất. Họ nhận thấy sóng địa chấn truyền qua khu vực này có tốc độ chậm hơn khoảng 2% so với phần còn lại của lõi.

“Nhiều khả năng cấu trúc mới phát hiện là nơi chứa nhiều nguyên tố nhẹ hơn như silic và oxy. Nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các dòng chảy kim loại lỏng khổng lồ trong lõi – nơi sản sinh ra từ trường của Trái đất, giúp bảo vệ hành tinh tránh khỏi tác động bất lợi từ gió Mặt trời và các bức xạ gây hại”, nhóm nghiên cứu nhận định.