Mục tiêu cuối cùng của hai bên là đưa mẫu đất trên sao Hỏa về Trái đất để tiến hành phân tích chi tiết.

Ảnh minh họa: NASA-ESA
Khám phá sao Hỏa. Ảnh minh họa: NASA-ESA

Vào ngày 16/5, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo hợp tác với Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) để khám phá và tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa. Họ sẽ cùng nhau triển khai robot thám hiểm Rosalind Franklin – một sứ mệnh do ESA dẫn đầu, dự kiến khởi hành vào năm 2028.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, NASA có nhiệm vụ cung cấp máy sưởi và các bộ phận cần thiết của hệ thống động cơ đẩy để hạ cánh trên sao Hỏa.

Robot thám hiểm Rosalind Franklin sẽ trở thành phương tiện đầu tiên khoan xuống độ sâu 2m nhằm thu thập các mẫu băng ít chịu tác động của bức xạ vũ trụ và nhiệt độ khắc nghiệt trên bề mặt của hành tinh đỏ.

Robot thám hiểm cũng được trang bị một thiết bị phân tích các chất hữu cơ. Thiết bị này sẽ hỗ trợ các nhà khoa học tìm kiếm những khối xây dựng cơ bản của sự sống trong các mẫu đất trên sao Hỏa.

Sự hợp tác giữa NASA và ESA là một phần trong nỗ lực nghiên cứu dài hạn về sao Hỏa của hai cơ quan vũ trụ với khoản tiền đầu tư lên tới 11 tỷ USD. Mục tiêu cuối cùng của họ là đưa mẫu đất trên sao Hỏa về Trái đất để tiến hành phân tích chi tiết.

Nguồn: UPI.com

Bài đăng số 1293 (số 21/2024) KH&PT