Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia nên áp thuế thu nhập đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch và dành khoản tiền thu được cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang chịu thiệt hại ngày càng nặng nề do khủng hoảng khí hậu.
António Guterres nói rằng “những người gây ô nhiễm phải trả giá” cho những thiệt hại ngày càng gia tăng do sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán và các tác động khí hậu khác.
“Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả các nền kinh tế phát triển đánh thuế lợi nhuận thu được đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch,” Guterres nói trong bài phát biểu trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Những khoản tiền đó nên chi tiêu heo hai cách - cho các quốc gia đang chịu tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra, và cho những người đang vật lộn với giá thực phẩm và năng lượng tăng.”
Lời kêu gọi của Guterres được đưa ra trong bài phát biểu khẩn cấp nhất và ảm đạm nhất của ông cho đến nay về tình hình khí hậu hành tinh và ý chí của các chính phủ trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Những lời đầu tiên của Guterres là: "Thế giới của chúng ta đang gặp rắc rối lớn."
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Nguồn ảnh: Yahoo News
“Đừng ảo tưởng. Chúng ta đang ở trong biển động. Một mùa đông của sự bất bình trên toàn cầu đang ở phía trước, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang hoành hành, niềm tin đang sụp đổ, bất bình đẳng đang bùng nổ và hành tinh của chúng ta đang bùng cháy,” ông nói với đại hội. “Chúng ta có nhiệm vụ phải hành động, nhưng chúng ta đang bị mắc kẹt trong tình trạng rối loạn chức năng toàn cầu khổng lồ. Cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng đối phó với những thách thức gay gắt lớn của thời đại.”
Bài phát biểu đầy đau đớn, được đưa ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, lặp lại lời kêu gọi từ các nhà hoạt động và Liên minh châu Âu: đánh thuế các công ty dầu khí lớn hiện đang hưởng lợi nhuận kỷ lục. Vào tháng 7, Exxon thông báo họ đã đạt lợi nhuận kỷ lục hàng quý là 17,8 tỷ đô la, trong khi Chevron tiết lộ lợi nhuận kỷ lục trong ba tháng là 11,6 tỷ đô la. BP, trong khi đó, đã kiếm được 8,5 tỷ đô la lợi nhuận trong cùng kỳ.
Theo đề xuất của Guterres, tiền thu thuế sẽ chuyển đến các nước đang phát triển đang chịu “tổn thất và thiệt hại” do tình trạng nóng lên toàn cầu, để được đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, ngăn chặn thảm họa và các sáng kiến khác nhằm xây dựng khả năng phục hồi.
Guterres trước đây đã cáo buộc các chính phủ “nghiện” nhiên liệu hóa thạch và gọi các khoản đầu tư mới vào dầu, than và khí đốt là “sự điên rồ về đạo đức và kinh tế”.
Nhưng bài phát biểu của ông hôm thứ Ba 20/9 đặc biệt đáng chú ý, được phát biểu trước đại hội đồng và sau chuyến thăm gần đây của tổng thư ký tới Pakistan, nơi đang xảy ra lũ lụt nghiên trọng nhấn chìm một phần ba đất nước và khiến hàng triệu người phải di tản.
“Hành tinh của chúng ta đang bùng cháy”, Guterres nói, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt “cuộc chiến chống lại thiên nhiên”.
Ông nói thêm: “Khủng hoảng khí hậu là vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta. Đó phải là ưu tiên hàng đầu của mọi chính phủ và tổ chức đa phương. Tuy nhiên, hành động khí hậu đang không được đặt lên hàng đầu - bất chấp sự ủng hộ của công chúng trên khắp thế giới”.
Ông Guterres cho biết, các chính phủ phải tiến hành “can thiệp” để phá bỏ cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch bằng cách nhắm mục tiêu không chỉ vào bản thân các công ty khai thác mà là toàn bộ cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp hỗ trợ họ.
“Điều đó bao gồm các ngân hàng, cổ phần tư nhân, các nhà quản lý tài sản và các tổ chức tài chính khác tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch,” tổng thư ký cho biết.
“Bao gồm cả cỗ máy quan hệ công chúng khổng lồ thu về hàng tỷ USD để bảo vệ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch khỏi bị giám sát. Giống như những gì họ đã làm đối với ngành công nghiệp thuốc lá nhiều thập kỷ trước, các nhà vận động hành lang đang đưa ra những thông tin sai lệch có hại.”
Ông Guterres cho biết đã đến "thời điểm để ngừng những cuộc thảo luận không đi đến đâu" và cung cấp tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Các quốc gia giàu có cần tăng gấp đôi kinh phí hỗ trợ thích ứng vào năm 2025, như họ đã hứa tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Scotland năm ngoái. Một vòng đàm phán tiếp theo, được gọi là Cop27, sẽ diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11, trong đó tổn thất và thiệt hại của các nước nghèo được coi là vấn đề trọng tâm.
Mặc dù các chính phủ đã đồng ý hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng hầu hết mọi quốc gia đều đang chậm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đáp ứng mục tiêu này này và ngăn chặn các tác động thảm khốc đối với khí hậu.
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/sep/20/un-secretary-general-tax-fossil-fuel-companies-climate-crisis