Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) vừa tạm dừng hoạt động máy gia tốc hạt lớn (LHC) trong hai năm tới để bảo trì và nâng cấp, giúp nó có thể thực hiện những thí nghiệm vật lý đòi hỏi mức năng lượng cao hơn trong tương lai.
Do đó, vào đầu năm 2021, LHC sẽ hoạt động bình thường trở lại. Được xây dựng từ năm 1998 đến 2008, máy gia tốc LHC nằm trong một đường hầm hình tròn tại biên giới Pháp – Thụy Sĩ với chu vi 27 km.
Các nam châm điện trong cỗ máy có thể giúp tăng tốc các hạt đến gần vận tốc ánh sáng. Lần bảo trì trước đây của LHC diễn ra từ năm 2013 đến 2015.
“Lần chạy thứ hai của LHC [từ năm 2015 đến 2018] đã vượt quá sự kỳ vọng của chúng tôi. Nó tạo ra lượng dữ liệu lớn gấp năm lần so với lần chạy đầu tiên, và mức năng lượng đạt được là 13 TeV. Sau lần sửa chữa này, chúng tôi sẽ tăng cường cho cỗ máy mức năng lượng va chạm thiết kế lên tới 14 TeV”, Frédérick Bordry, giám đốc phụ trách máy gia tốc và công nghệ của CERN, cho biết.
Năm 2012, các nhà khoa học sử dụng LHC để chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs. Công trình nghiên cứu đã giành được giải thưởng Nobel Vật lý năm 2013.
Quốc Lê (Theo QZ)