Mới đây, việc Canada cho người bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính, con gái của ông trùm sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi – đã làm dậy sóng cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Theo Reuters, vụ bắt giữ trên được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền Mỹ, liên quan đến những cáo buộc và điều tra hành vi vi phạm đối với lệnh cấm vận thương mại mà nước này áp đặt lên Iran cách đây mấy năm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cả Canada lẫn Mỹ đều từ chối đưa ra lời giải thích cụ thể về lý do bắt giữ bà Mạnh. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo ngại, nhất là trong bối cảnh Mỹ – Trung chỉ mới vừa đạt được một số nhượng bộ và thỏa thuận ngừng chiến thương mại (bắt đầu từ năm 2019) sau cuộc gặp thượng đỉnh (giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình) bên lề Hội nghị G20 (diễn ra tại Argentina).
Huawei là ai?
Huawei (tên đầy đủ: 華為技術有限公司 hay Hoa Vi Kỹ thuật Hữu hạn Công ty) là một tập đoàn công nghệ đa quốc gia, hiện đứng số một thế giới về thị phần thiết bị viễn thông và thứ hai về smartphone (chỉ sau Samsung, vượt mặt Apple) với doanh thu năm 2017 lên tới 92 tỷ USD. Đáng chú ý, Huawei đang hoạt động chủ yếu tại nước ngoài và dẫn đầu tại nhiều thị trường ở khắp châu Á, châu Âu lẫn châu Phi.
Được thành lập từ năm 1987 bởi cựu sĩ quan quân đội Nhậm Chính Phi, Huawei có trụ sở đặt tại Thẩm Quyến (đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh Quảng Đông, thủ phủ công nghệ miền duyên hải Đông Nam Trung Quốc) và sử dụng khoảng 180.000 lao động. Đến nay, mặc dù còn tồn tại nhiều thắc mắc liên quan đến cấu trúc sở hữu, song trên danh nghĩa thì Huawei là một công ty tư nhân và có chính sách chia cổ phần cho nhân viên nắm giữ.
Vì sao Huawei lại thành công đến vậy?
Trong quá khứ, Huawei chính là nhà thầu tiên phong trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và giải pháp khi Trung Quốc bắt đầu mạnh tay chi cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông – điều này đã giúp công ty tạo dựng được một nền tảng vững mạnh để vươn ra cạnh tranh quốc tế kể từ thập niên 1990 nhờ lợi thế giá rẻ. Các đối thủ chính của Huawei như Cisco Systems hay Motorola (đều của Mỹ) thường gán cho Huawei danh xưng là kẻ sao chép công nghệ và đâm đơn kiện hãng này lên tòa án bảo hộ Mỹ vì tội danh ăn cắp bí mật thương mại.
Bất chấp điều đó, Huawei đã không ngừng chi tiền cho các hoạt động R&D và thực sự trở thành một tay chơi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và smartphone cao cấp. Ngược lại, các đối thủ chính của họ ở phương Tây như Nokia (Phần Lan), Alcatel – Lucent (Pháp) hay Ericsson (Thụy Điển) thì lại lâm vào tình trạng tài chính khó khăn trong mấy năm qua. Chưa hết , Huawei còn đang tiếp tục lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực mới, trong đó có chip bán dẫn (thông qua công ty con là HiSilicon), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (cloud computing).
Tại sao Mỹ và đồng minh tìm cách cấm cửa Huawei?
Các cơ quan tình báo phương Tây, nhất là Mỹ, thường đưa ra cáo buộc, rằng Huawei thực chất chính là cánh tay nối dài của Trung Nam Hải, và những thiết bị do hãng này cung cấp hay có nguy cơ bị cài sẵn mã độc hoặc cửa hậu (backdoor) để hỗ trợ mục đích do thám – tất nhiên, Huawei đã luôn phủ nhận điều này và cũng bởi phương Tây chưa cung cấp các bằng chứng xác thực.
Mặc dù vậy, các mối nghi ngờ xoay quanh hoạt động của Huawei là chưa bao giờ chấm dứt, nhất là khi Trung Quốc từng ban hành một đạo luật, yêu cầu các công ty trong nước cam kết phải hỗ trợ chính phủ khi được yêu cầu. Trong bối cảnh thế giới đang rục rịch triển khai 5G (mà Huawei chính là một nhà cung cấp hàng đầu) thì chính sách này của Trung Quốc đã không thể không gây quan ngại. Vì vậy, nước Mỹ đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Huawei, bao gồm lệnh cấm các cơ quan thuộc chính phủ và nhà mạng mua sắm thiết bị hay làm ăn với công ty này. Hệ quả là, từ đầu năm 2018, hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của Mỹ là Verizon Communications và AT & T đã chính thức rút khỏi các thỏa thuận phân phối smartphone do Huawei sản xuất trên thị trường.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia khác, bao gồm cả những đồng minh thân cận của Mỹ như Canada, Anh hay Đức, thì vẫn chưa có nhiều lý do đáng kể để chống lại Huawei vì tin tưởng vào quy trình kiểm tra an ninh trên các thiết bị của họ. Tuy nhiên, cả Úc và New Zealand mới đây đã đánh tiếng cấm sử dụng giải pháp của Huawei trong việc triển khai 5G, và một số biểu hiện cho thấy, nhiều nước khác như Đức cũng đang xem xét lại vấn đề.
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu liệu có liên quan đến những lo ngại về an ninh?
Mặc dù chính quyền Mỹ từ chối cung cấp các chi tiết liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh, song hầu hết các nguồn tin khả tín đều cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở những vi phạm liên quan đến một lệnh trừng phạt thương mại mà Mỹ áp đặt lên Iran. Theo một báo cáo điều tra do Reuters thực hiện trong gần 6 năm thì bà Mạnh (trên cương vị CFO của Huawei) đã có mối liên hệ nhất định với Skycom – một công ty đã cố tình bán các thiết bị mang nhãn hiệu HP (Hewlett-Packard, có trụ sở tại thung lũng Silicon) cho một nhà mạng di động Iran, và như vậy là vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Có công ty Trung Quốc nào khác vi phạm lệnh trừng phạt tương tự của Mỹ?
Năm 2017, một đối thủ đồng hương của Huawei (với quy mô khiêm tốn hơn nhiều) là ZTE Corporation cũng bị Chính phủ Mỹ cáo buộc là cố tình tránh né lệnh cấm để bán các thiết bị [có sử dụng công nghệ của Mỹ] cho Iran. Vì vậy, hồi đầu năm nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố, ZTE đã vi phạm rất nhiều thỏa thuận làm ăn và cấm các công ty của Mỹ không được mua bán hay chuyển giao công nghệ cho hãng này. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, cả hai bên lại đạt được một số thỏa thuận nhượng bộ và Tổng thống Donald Trump chính thức ra lệnh gỡ bỏ lệnh cấm – khiến không ít người phải ngạc nhiên và các quan chức Chính phủ Mỹ thì tỏ ra tức giận.
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu có liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không?
Trên thực tế, các cuộc điều tra vì mục đích trừng phạt đã được phía Mỹ thực hiện từ lâu, trước khi nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, bà Mạnh lại bị bắt giữ đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi hai ông Trump và Tập vừa đạt được một số thỏa thuận ngừng chiến tạm thời – khiến vấn đề càng trở nên rối bời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Mặc dù vậy, không có bằng chứng nào cho thấy đây là sự khiêu khích có chủ đích của Mỹ, mà dường như đó chỉ là một sự trùng hợp “không mấy làm dễ chịu”.
Tương lai nào đang đợi Huawei?
Đối với ZTE, lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới hoạt động và đà tăng trưởng của công ty này, nhưng phải trong dài hạn mới thấy rõ, nhất là khi các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự. Còn Huawei, với vị thế của một ông vua công nghệ được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và đặt cược, trong tầm nhìn chiến lược nhằm chạy đua và bắt kịp Mỹ trên nhiều lĩnh vực trọng yếu như phát triển chip, thì có vẻ hãng này chắc chắn vẫn sẽ là một thế lực lớn trong nhiều năm tới.