Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh, và Mỹ sẽ là những thành viên mới nhất của Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA).
GOWA được khởi xướng bởi chính phủ Đan Mạch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), và Hội đồng Năng lượng Gió Toàn vào tháng 9 vừa qua nhằm tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng.
“Có khoảng cách ngày càng lớn giữa những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu và những gì đang thực sự diễn ra”, Ben Backwell, Giám đốc điều hành, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu, cho biết. “Điện gió ngoài khơi là công nghệ thiết thực nhất, sẵn có cho nhiều quốc gia để thu hẹp khoảng cách này”.
Ảnh minh họa: baochinhphu.
Cả IRENA và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều ước tính, công suất điện gió ngoài khơi cần tăng từ mức chỉ hơn 60GW hiện nay lên quá 2.000GW vào năm 2050 thì mới đủ hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C và đạt được mức phát thải ròng bằng không.
GOWA đặt mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối năm 2030.
Trong số các thành viên mới của GOWA, Bỉ đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, với công suất điện gió ngoài khơi tăng gấp bốn lần vào năm 2040. Còn Đức, với công suất lắp đặt hiện nay khoảng 8 GW, là quốc gia có công suất điện gió ngoài khơi lớn thứ ba trên toàn cầu. Nước này dự định tăng công suất phát điện gió ngoài khơi lên ít nhất 30 GW vào năm 2030 và 70 GW vào năm 2045. Đức đánh giá GOWA là cơ hội cho các quốc gia tận dụng bí quyết và kỹ năng của các bên liên quan để xây dựng hoặc tăng công suất điện gió ngoài khơi.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW. |
Nguồn:
Thông cáo báo chí
Hoàng Nam